Cảng Quy Nhơn (QNP): Bắt tay với các hãng tàu lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu lãi cao nhất 4 năm

Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã cổ phiếu QNP) cho biết đã thu hút được một số hãng tàu hàng đầu thế giới, như CMA (Pháp) và Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc) mở các tuyến dịch vụ mới.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã cổ phiếu QNP - sàn HoSE) vừa công bố Nghị quyết thông qua các chỉ tiêu dự kiến về kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2025.

Theo đó, công ty đặt mục tiêu sản lượng thông qua cảng năm nay đạt 13,2 triệu tấn, bao gồm 190.000 TEUs container hàng hóa. Qua đó, Cảng Quy Nhơn kỳ vọng sẽ thu về 1.390 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bao gồm 790 tỷ đồng doanh thu từ công ty mẹ; và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, bao gồm 185 tỷ đồng lãi từ công ty mẹ.

Mức lợi nhuận trên tương ứng mức tăng trưởng 20% so với mức thực hiện của năm 2024. Nếu đạt được kế hoạch trên, Cảng Quy Nhơn sẽ thiết lập mức lãi cao nhất 4 năm trở lại đây.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn.

Trong năm ngoái, doanh nghiệp cảng biển này đã xử lý 11,6 triệu tấn hàng hóa các loại, vượt kế hoạch cả năm (11,5 triệu tấn). Qua đó, Cảng Quy Nhơn thu về 1.165 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và hơn 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, lần lượt tăng 23,6% và 11,4% so với năm 2023, hoàn thành và vượt 39% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Chia sẻ về kết quả trên, ông Lê Hồng Quân - Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn, cho biết, trong bối cảnh còn nhiều thách thức kinh tế vĩ mô, công ty đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng suất xếp dỡ, mở rộng tuyến dịch vụ đến cải tiến hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong đó, Cảng Quy Nhơn đã chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên và các cửa khẩu Lệ Thanh, Bờ Y. Cảng đã thu hút được hãng tàu CMA (Pháp) mở tuyến dịch vụ Quy Nhơn - Đông Bắc Á ổn định hằng tuần, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu container lạnh (chuối, nước cốt ép), xuất khẩu nông sản sang thị trường Đông Bắc Á của các chủ hàng (sản lượng bình quân 150 TEUs/tuần); kết nối với hãng tàu Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc) mở tuyến dịch vụ mới, tạo thêm nhiều thị trường mới cho các chủ hàng; phối hợp với VIMC Lines để vận chuyển hàng nội địa, kết hợp với vận chuyển hàng xuất/nhập khẩu từ Cảng Cái Mép đến Cảng Quy Nhơn.

Đáng chú ý, với các tuyến dịch vụ mới đi Đông Bắc Á, phần lớn sản phẩm gỗ của 150 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định hiện đều được xuất qua Cảng Quy Nhơn, giúp tạo ra lượng hàng lớn.

Cảng Quy Nhơn dự kiến đầu tư tổng cộng gần 329 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm nay.

Cảng Quy Nhơn dự kiến đầu tư tổng cộng gần 329 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm nay.

Năm 2024, Cảng Quy Nhơn cũng đã đưa vào vận hành cầu Bến số 1 dài 480 m, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu lớn và giảm thiểu tình trạng chờ cầu; và nâng công suất sửa chữa container tại cảng từ 30 lên 80 container/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng dần trong khu vực.

Trong năm nay, Cảng Quy Nhơn dự kiến tiếp tục đầu tư tổng cộng gần 329 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Trong đó, gần 312 tỷ đồng chuyển tiếp năm 2024, chủ yếu cho thiết bị xếp dỡ Bến số 1 (02 cần trục đa năng 45T), kho chuyên dụng số 1, nâng cấp bãi container số 3…; dự kiến triển khai năm 2025 gần 17 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư phương tiện thiết bị (xe xúc, hệ thống cân may bao tự động,…) và đầu tư cơ sở hạ tầng (nâng cấp bến số 1, dự án trung tâm logistics Tuy Phước).

Cảng Quy Nhơn dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 25/04/2025 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/03, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/03.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cang-quy-nhon--qnp-bat-tay-voi-cac-hang-tau-lon-nhat-the-gioi--dat-muc-tieu-lai-cao-nhat-4-nam-133271.htm