Càng 'săn deal' càng mất tiền: Sự thật ít ai muốn thừa nhận
Nhiều người nghĩ rằng mình đang tiết kiệm tiền bằng những lựa chọn hợp lý như mua hàng khuyến mãi, bay hãng giá rẻ, chọn gói cước không giới hạn... Nhưng theo các chuyên gia tài chính, một số cách tưởng như giúp cắt giảm chi tiêu lại âm thầm rút cạn ví tiền.
Trang tài chính Gobankingrates đã tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia trong ngành, chỉ ra 4 “cái bẫy tiết kiệm” phổ biến, những lối tiêu dùng tưởng như thông minh nhưng thực chất lại khiến bạn mất tiền mà không hay biết.
Mua số lượng lớn để tiết kiệm
Khái niệm mua nhiều để được giá tốt là điều nhiều người áp dụng, nhất là khi thấy các chương trình khuyến mãi như “mua 3 tặng 1” hay “giảm sâu khi mua thùng”. Tuy nhiên, theo ông Caleb Wood-Dagget – nhà sáng lập hãng tư vấn tài chính Commonwealth Strategy Advisors (California, Mỹ), đây là một trong những thói quen khiến nhiều người lãng phí mà không nhận ra.
“Việc mua một lượng lớn sản phẩm với giá giảm nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu bạn không dùng hết, để hàng hết hạn hoặc quên luôn trong tủ, thì chẳng có gì gọi là tiết kiệm cả. Tiền không mất một lần, mà cứ rò rỉ dần qua thời gian”, ông nói.
Chuyên gia Melanie Musson từ InsuranceProviders.com cũng nhấn mạnh đừng vội cho rằng sản phẩm đóng gói lớn lúc nào cũng rẻ hơn.
“Bạn cần nhìn vào giá theo đơn vị, ví dụ giá mỗi lít, mỗi cái hoặc mỗi gam và so sánh với hàng đóng gói nhỏ hơn. Có những lúc mua nhỏ lẻ lại hợp lý hơn vì tránh được lãng phí”.

Ảnh minh họa
Bay hãng giá rẻ nhưng phải trả giá bằng… tiền và thời gian
Các hãng hàng không giá rẻ thường hấp dẫn khách hàng bằng mức giá vé khó tin. Nhưng theo giáo sư Michele Frank, Trường Kinh doanh Đại học Miami, bạn nên tính đến tổng chi phí thực sự trước khi đặt vé.
“Đúng là giá vé ban đầu thấp hơn, nhưng bạn có thể phải trả thêm hàng loạt phụ phí: phí chọn chỗ ngồi, hành lý xách tay, suất ăn và thậm chí là phí... in thẻ lên máy bay”, bà nói.
Tổng cộng những khoản phí ẩn này có thể khiến bạn tiêu nhiều hơn so với việc chọn một hãng truyền thống ngay từ đầu.
Không chỉ vậy, các hãng bay giá rẻ thường có ít chuyến, ít đường bay và chỉ hoạt động vào một số ngày cố định trong tuần. Điều này có nghĩa là nếu chuyến bay của bạn bị hủy, bạn có thể phải chờ vài ngày để có chuyến khác và điều này đồng nghĩa với việc phải chi thêm cho khách sạn, ăn uống, hoặc lỡ lịch làm việc quan trọng. Chuyến đi giá rẻ vì vậy có thể đội chi phí lên cả trăm đô mà bạn không lường trước được.
Dùng thẻ tín dụng để mua sắm tùy tiện
Thẻ tín dụng là công cụ tiện lợi nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu bạn không kiểm soát được chi tiêu. Một sai lầm phổ biến là dùng thẻ để mua sắm ngay cả khi không đủ khả năng chi trả trong tháng. Khi đó, bạn sẽ phải gánh lãi suất cao và khoản lãi có thể lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ phần thưởng, hoàn tiền hay ưu đãi nào mà bạn nghĩ là mình đã "lời".
Chuyên gia tiêu dùng Andrea Woroch cho rằng, nếu muốn mua một món đồ giá trị lớn nhưng chưa đủ tiền mặt thì nên cân nhắc các hình thức trả góp 0% lãi suất do cửa hàng cung cấp, tìm thẻ tín dụng mới có ưu đãi 0% APR (lãi suất hàng năm) trong thời gian khuyến mãi.
“Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải cam kết trả hết số tiền đó trước khi ưu đãi lãi suất 0% kết thúc. Nếu không, bạn sẽ bị tính lãi rất cao, và khoản nợ sẽ phình ra nhanh chóng”, bà cảnh báo.

Ảnh minh họa
Trả tiền cho gói dữ liệu “không giới hạn” nhưng dùng chẳng bao nhiêu
Ai cũng muốn cảm giác an tâm khi biết mình có thể dùng internet vô tư nhưng thực tế, phần lớn người tiêu dùng không dùng đến mức cần thiết phải đăng ký gói dữ liệu không giới hạn.
Theo báo cáo từ Mint Mobile, dù 76% người Mỹ đang sử dụng gói dữ liệu “không giới hạn”, có đến 63% trong số đó mỗi tháng không dùng hết... 15GB.
Một nghiên cứu khác của WhistleOut cho thấy, một gia đình Mỹ trung bình đang lãng phí đến 1.500 USD mỗi năm cho gói cước di động vượt quá nhu cầu thực tế.
Andrea Woroch giải thích: “Giờ đây, với Wi-Fi có mặt ở khắp nơi, từ nhà, công ty đến quán cà phê thì nhiều người gần như không dùng đến dữ liệu di động quá nhiều nữa. Nếu bạn là một trong số đó, hãy kiểm tra lại mức tiêu dùng thực tế và đổi sang gói cước phù hợp hơn”.
Các chuyên gia tài chính đều đồng tình rằng điều quan trọng nhất để quản lý tiền bạc hiệu quả không nằm ở việc tiết kiệm theo bản năng mà là hiểu rõ nhu cầu thật sự của bản thân, tính toán hợp lý và đưa ra các lựa chọn dựa trên giá trị sử dụng thực tế, không phải dựa trên khuyến mãi hoặc tâm lý tiếc của.
Tiết kiệm là một hành trình dài hạn, đôi khi, cách tiết kiệm tốt nhất lại là... đừng tiêu vào những thứ mình không cần.