Những chuyến xe nối giữa nhiệm vụ và đời sống

Các tuyến xe từ Phan Thiết đi Đà Lạt ghi nhận lượng khách tăng vọt, nhiều nhà xe chủ động tăng chuyến, giữ giá ổn định cho cán bộ.

Sau dấu mốc hành chính ngày 1/7/2025, hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức từ TP Phan Thiết (tỉnh cũ Bình Thuận) bắt đầu một nhịp sống mới: đều đặn mỗi tuần di chuyển lên thành phố cao nguyên Đà Lạt để làm việc, công tác. Những chiếc xe khách vốn từng thưa vắng nay bất ngờ sôi động trở lại, chở theo không chỉ hành lý, tài liệu, mà cả sự thích nghi, chia sẻ và trách nhiệm trong dòng chuyển mình lớn của bộ máy hành chính.

Buổi chiều cuối tuần trên bến xe tại phường Phú Thủy

Chiều chủ nhật, ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại một điểm đón xe trên địa bàn phường Phú Thủy (tỉnh Lâm Đồng), bầu không khí mang nhịp gấp gáp và đầy lo toan. Người xếp vali, người vội vã kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu... Tất cả cùng hướng về Đà Lạt (trung tâm hành chính mới) của tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập.

Cán bộ, công chức chuẩn bị hành lý trước giờ xe khởi hành từ Phan Thiết đi Đà Lạt.

Không còi xe dồn dập, không tiếng rao ồn ào, chỉ là những cái gật đầu quen thuộc giữa người lái xe và hành khách, phần lớn là cán bộ, viên chức đã quá quen mặt nhau sau nhiều chuyến đi chung tuyến.

Anh Đào Duy Vũ, cán bộ ngành Thanh tra, lặng lẽ chọn một ghế gần cửa sổ: “Tôi có xe riêng, nhưng để giữ sức cho một tuần làm việc căng thẳng, tôi vẫn chọn đi xe khách. Vừa tiện nghỉ ngơi, vừa tránh được căng thẳng khi tự cầm lái đường đèo.”

Sự gia tăng nhu cầu đi lại đã làm sống lại những thương hiệu xe quen thuộc như Thanh Lịch, An Phú, Hưng Lộc… Các nhà xe đồng loạt tăng chuyến, đầu tư chất lượng phục vụ, song vẫn giữ giá vé ổn định dao động từ 180.000 – 210.000 đồng/lượt.

 Nhân viên nhà xe Thanh Lịch hướng dẫn hành khách mua vé đi Đà Lạt.

Nhân viên nhà xe Thanh Lịch hướng dẫn hành khách mua vé đi Đà Lạt.

Tại văn phòng nhà xe An Phú, chị Trương Khánh Vy cho biết: “Từ đầu tháng 7 đến nay, khách đi tuyến Phan Thiết – Đà Lạt chủ yếu là cán bộ, công chức. Chúng tôi đã chủ động bổ sung thêm các chuyến xe để phù hợp giờ làm và giờ về.”

Nhiều nhà xe còn dự kiến áp dụng vé tháng ưu đãi cho công chức thường xuyên đi lại, một nỗ lực nhỏ nhưng thiết thực.

Anh Nguyễn Phi Hùng, đại diện nhà xe An Phú, nói thêm: “Mỗi chuyến xe là một hành trình đặc biệt. Hành khách không chỉ cần nhanh, mà cần sự tin cậy, đúng giờ, an toàn. Chúng tôi muốn đồng hành lâu dài với anh chị em công chức là những người đang âm thầm giữ nhịp vận hành cho bộ máy nhà nước trong giai đoạn quan trọng.”

Những mảnh ghép đời thường trong chuyển động lớn

Sau sáp nhập, nhiều cán bộ, viên chức có công việc gắn liền với các sở, ngành cấp tỉnh đặt tại Đà Lạt. Mỗi tuần, họ lại rời tổ ấm ở Phan Thiết để vượt hơn 170 km đường núi đèo, lên cao nguyên tiếp tục nhiệm vụ.

 Xe khách tuyến Phan Thiết – Đà Lạt được tăng cường vận chuyển hành lý phục vụ cán bộ.

Xe khách tuyến Phan Thiết – Đà Lạt được tăng cường vận chuyển hành lý phục vụ cán bộ.

 Khu vực văn phòng nhà xe đông đúc hành lý và phương tiện gửi theo chuyến xe.

Khu vực văn phòng nhà xe đông đúc hành lý và phương tiện gửi theo chuyến xe.

Chỉ là những chiếc balo nhỏ, giấc ngủ chập chờn trên ghế xe, và đôi khi là bữa cơm hộp ăn vội ở bến nghỉ chân. Không chỉ về thể chất, việc thường xuyên di chuyển còn tạo ra áp lực tinh thần, tài chính.

Một cán bộ nữ khác tâm sự: “Mỗi chuyến lên – xuống Đà Lạt không đơn thuần là đi công tác. Nó là cả một sự chuẩn bị: từ sắp xếp công việc nhà, con cái, đến việc canh giờ xe, đặt vé sớm để không bị "cháy chỗ". Có thời điểm, chi phí gửi xe máy tăng từ 300.000 lên 600.000 đồng/lượt – khiến cán bộ phải cân nhắc rất nhiều. Tôi hy vọng, trong thời gian tới các nhà xe sẽ có sự điều chỉnh về giá và tạo điều kiện phù hợp cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức như chúng tôi, điều này sẽ khiến cho chúng tôi yên tâm công tác từ đó cống hiến hết mình cho sự phát triển của tỉnh nhà cũng như của đất nước.”

Trong dòng chuyển động lớn ấy, vai trò của các đơn vị vận tải trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ là phương tiện, mỗi chiếc xe còn là cầu nối giữa hai vùng địa lý và giữa nhiệm vụ và đời sống.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, toàn khu vực vùng biển của tỉnh có 16 bến xe vận tải hành khách cố định. Đến thời điểm này giá vé đi Đà Lạt không tăng so với trước đây.

Tại Bến xe Bắc Phan Thiết, ông Võ Trung Nam – Trưởng bến xe, cho biết: “Tất cả giá vé đều niêm yết công khai, có lệnh xuất bến, kiểm tra định kỳ. Không có chuyện nhà xe tự ý tăng giá, trừ các dịp lễ Tết theo quy định.”

Nhìn từ bên ngoài, đó chỉ là những chuyến xe khách chạy trên tuyến đường đèo nối vùng biển với cao nguyên. Nhưng, nếu dừng lại lắng nghe, ta sẽ thấy trong từng chiếc vé xe là một câu chuyện mưu sinh, là nghĩa vụ công chức, là nỗ lực bền bỉ của những con người thầm lặng.

Việc đi lại của cán bộ, công chức giữa Phan Thiết và Đà Lạt đang từng bước ổn định nhờ vào sự điều tiết giá vé công khai, minh bạch từ cơ quan chức năng và sự phối hợp của các đơn vị vận tải hành khách.

Sự đồng thuận giữa các bên không chỉ đảm bảo lộ trình di chuyển được duy trì đều đặn, mà còn góp phần giữ vững tiến độ công việc trong giai đoạn bộ máy hành chính đang vận hành theo đơn vị hành chính mới. Những chuyến xe nối dài hai vùng đất giờ đây đã trở thành một phần trong nhịp sống công vụ hàng tuần – đều đặn, trách nhiệm và không ngừng tiếp nối.

Bảo Giang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/nhung-chuyen-xe-noi-giua-nhiem-vu-va-doi-song-post1554856.html