Diêm dân lao đao vì thời tiết thất thường, giá muối giảm sâu

Từ đầu vụ muối năm 2025 đến nay, diêm dân nhiều địa phương đối mặt muôn vàn khó khăn do thời tiết mưa nắng thất thường khiến sản lượng giảm mạnh, trong khi giá muối liên tục sụt giảm, tiêu thụ chậm, khiến thu nhập bấp bênh.

Nắng mưa thất thường, giá cả bấp bênh

Nếu như vụ muối năm 2024, diêm dân Gia Lai đón niềm vui kép khi vừa được mùa, vừa được giá thì năm nay, màu muối trắng không còn ánh lên niềm vui. Tại các thôn làm muối truyền thống như Đức Phổ 1, Đức Phổ 2 (xã Đề Gi) hay An Mỹ (xã An Lương), sự trầm lắng bao trùm lên cả ruộng đồng lẫn gương mặt người dân.

 Ông Nguyễn Công Tiến (thôn Đức Phổ 2, xã Đề Gi) cho biết, nắng mưa thất thường khiến vụ sản xuất muối 2025 gặp khó khăn. Ảnh: Trọng Lợi

Ông Nguyễn Công Tiến (thôn Đức Phổ 2, xã Đề Gi) cho biết, nắng mưa thất thường khiến vụ sản xuất muối 2025 gặp khó khăn. Ảnh: Trọng Lợi

Có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm muối, ông Nguyễn Công Tiến (thôn Đức Phổ 2) chia sẻ: “Nắng có nhưng không đều. Gió cũng ít. Có hôm sáng nắng rát, tưởng yên tâm thì chiều mưa như trút nước. Muối không kịp kết tinh hoặc vừa kết tinh xong lại bị rã trôi”.

Cũng theo ông Tiến, năm ngoái, giá muối thu mua tại ruộng dao động bình quân 2.000 - 2.200 đồng/kg (muối sản xuất trên nền trải bạt). Do vậy, chỉ với 3 ruộng muối hơn 300 m², gia đình ông thu về gần 50 triệu đồng. Nhưng năm nay, giá muối giảm xuống còn 1.200 đồng/kg (muối sản xuất trên nền trải bạt) và 1.000 đồng/kg (muối sản xuất trên nền đất) nên thu nhập chỉ được khoảng 15 triệu đồng dù còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc vụ.

Tình hình tại thôn Đức Phổ 1

cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Văn Trong cho biết: “8 ruộng muối của gia đình tôi rộng gần 800 m², năm ngoái thu được hơn 130 triệu đồng. Năm nay, mới bán được 5 - 6 triệu đồng mỗi ruộng mà thương lái cũng ép giá, bảo muối năm nay hạt non, dễ hao hụt”.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường), toàn tỉnh Gia Lai hiện có 1.085 hộ làm muối với tổng diện tích khoảng 154,7 ha. Trong đó, diện tích muối sản xuất trên nền đất 51,2 ha, muối trải bạt 98,5 ha và muối sản xuất theo hình thức công nghiệp là 5 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng muối toàn tỉnh đạt 8.541 tấn. Mặc dù diện tích sản xuất không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng lại giảm 5,2%. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do điều kiện thời tiết đầu vụ không thuận lợi, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên đã làm gián đoạn quá trình kết tinh và thu hoạch muối.

 Ông Nguyễn Văn Trọng, ở thôn Đức Phổ 1, xã Đề Gi kém vui khi năng suất, giá muối năm 2025 giảm sâu. Ảnh: Trọng Lợi

Ông Nguyễn Văn Trọng, ở thôn Đức Phổ 1, xã Đề Gi kém vui khi năng suất, giá muối năm 2025 giảm sâu. Ảnh: Trọng Lợi

Xã Đề Gi là một trong những vùng muối trọng điểm của tỉnh nên diêm dân cũng bị ảnh hưởng lớn trước những tác động của thời tiết và thị trường. Ông Đinh Phước Thắng-Trưởng Phòng Kinh tế xã-cho hay: “Toàn xã có 73,9 ha muối, trong đó, khoảng 50 ha sản xuất trên nền ruộng trải bạt. Thời tiết năm nay rất bất lợi, mưa nắng thay đổi thất thường nên sản lượng giảm, giá lại xuống thấp khiến nhiều hộ gặp khó khăn”.

Theo diêm dân, chu kỳ sản xuất muối ở Gia Lai thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch - thời điểm thời tiết nắng nhiều, khô ráo, thuận lợi cho muối kết tinh. Nhưng năm 2025, phải đến cuối tháng 3 âm lịch mới bắt đầu có nắng, và cũng chỉ là nắng gián đoạn, xen kẽ mưa rào làm độ ẩm tăng cao, gió yếu khiến muối lâu kết tinh.

Hướng đi nào để nâng cao giá trị hạt muối?

Không chỉ thời tiết thất thường mà thị trường tiêu thụ bấp bênh cũng là rào cản khiến hạt muối Gia Lai phát triển chưa bền vững. Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định-cho hay: “Giá muối năm nay giảm so với năm ngoái, chủ yếu do tiêu thụ chậm. Công ty vẫn cố gắng hỗ trợ bà con với mức thu mua ổn định 1.500 đồng/kg tại nhà máy, nhưng chỉ nhận muối sản xuất trên nền trải bạt là loại có chất lượng tốt hơn”.

Cũng theo ông Thông, hạt muối Gia Lai có tiềm năng tốt nếu tập trung vào phân khúc phục vụ thực phẩm dân sinh như muối ăn, nước mắm, muối hầm… thay vì cạnh tranh với muối công nghiệp. “Muối công nghiệp cần hạt muối chắc, kết tinh lâu ngày. Những nơi như Khánh Hòa, Ninh Thuận có số giờ nắng 2.600 - 3.000 giờ/năm nên điều kiện lý tưởng hơn. Còn muối Gia Lai thu hoạch sớm, hạt non, dễ hao hụt”, ông Thông nói.

Hiện nay, Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định đang bao tiêu khoảng 1.000 tấn muối/năm, thu mua trực tiếp từ 20 ha ruộng muối của người dân xã An Lương, bên cạnh 5 ha muối của Công ty sản xuất theo mô hình công nghiệp. Toàn bộ số muối này được Công ty sản xuất, cung ứng cho thị trường chế biến thực phẩm.

 Không khí sản xuất trên ruộng muối ở thôn Đức Phổ 2, xã Đề Ghi khá trầm lắng. Ảnh: Trọng Lợi

Không khí sản xuất trên ruộng muối ở thôn Đức Phổ 2, xã Đề Ghi khá trầm lắng. Ảnh: Trọng Lợi

Theo ông Trần Kim Dương-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, vấn đề ngành muối không chỉ đến từ yếu tố bất lợi của thời tiết mà còn từ nội tại. “Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu hạ tầng, máy móc, kho trữ, thị trường ổn định. Diêm dân đa phần lớn tuổi, chưa mạnh dạn tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất đơn lẻ nên càng khó gắn kết với doanh nghiệp”-ông Dương phân tích.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho rằng, để phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất muối. Bên cạnh đó, cần tích tụ ruộng đất, hình thành vùng muối quy mô lớn 100 - 200 ha để thuận lợi cho cơ giới hóa và ứng dụng khoa học, hướng đến sản xuất muối công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần hướng tới xây dựng chuỗi giá trị “Nhà nước - Doanh nghiệp - Diêm dân” liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.

TRỌNG LỢI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/diem-dan-lao-dao-vi-thoi-tiet-that-thuong-gia-muoi-giam-sau-post560498.html