Căng thẳng Biển Đỏ gây sức ép lên các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nước nào chịu tác động nặng nề nhất?
Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, chỉ trong hai tháng đầu năm, hoạt động thương mại trên kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi lên tàu hàng trên Biển Đỏ làm giảm lưu lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Suez. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, đóng góp 15% thương mại đường biển toàn cầu.
Để tránh bị tập kích, các tàu hàng phải chuyển hướng sang đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Hành trình này làm tăng thời gian vận chuyển trung bình thêm 10 ngày, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có kho hàng hạn chế.
Báo cáo mới đây của EIU - hãng nghiên cứu thuộc Economist Group - cho thấy, diễn biến này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của châu Á chậm lại, đồng thời thổi bùng lạm phát tại đây.
Tài liệu viết: "Xuất khẩu của các nước châu Á vốn đã chịu tác động từ năm ngoái, do nhu cầu từ phương Tây yếu đi. Vì thế, các cuộc tấn công tàu hàng gần đây sẽ càng gây sức ép lên các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Đặc biệt là các nước Đông Nam Á".
Theo EIU, các quốc gia chịu tác động lớn nhất là Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Hãng nghiên cứu này tính toán: "Việc vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang Malaysia và Singapore hiện mất 56 ngày. Trước khi Houthi bắt đầu tấn công tàu hàng hồi tháng 11/2023, con số này chỉ là 32 ngày. Thời gian vận chuyển đến Trung Quốc tăng từ 42 lên 55 ngày".
Cũng theo EIU, việc chuỗi cung ứng gián đoạn và nhu cầu hàng tiêu dùng giảm sút có thể khiến tăng trưởng kinh tế của châu Á mất 0,2-0,5% năm nay.
Ngược lại, lạm phát khu vực này được dự báo tăng thêm 0,4%. Lạm phát tăng tốc sẽ khiến ngân hàng trung ương các nước Philippines, Australia và Ấn Độ khó khăn hơn trong việc tìm cơ hội giảm lãi suất.