Căng thẳng biển Đông phủ bóng hội nghị Asean
Căng thẳng gia tăng trên biển Đông và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung dự kiến là những chủ đề nóng và gây chú ý nhất tại Hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao Asean và các hội nghị liên quan khai mạc hôm nay tại Bangkok, Thái Lan.
Sẽ có 27 cuộc họp của Asean và các đối tác diễn ra từ hôm nay đến thứ Bảy tuần này. Hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao Asean hội tụ các quan chức ngoại giao hàng đầu của khối, và hội nghị với các đối tác lớn như Diễn đàn khu vực và Hội nghị ngoại trưởng Đông Á cũng thu hút nhiều chú ý.
Những nhân vật được quan tâm nhiều trong dịp này ở Bangkok gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Các đối tác đối thoại khác của Asean có Úc, Ấn Độ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chú ý cũng được dồn vào các hoạt động bên lề mà Asean đóng vai trò hỗ trợ.
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của Asean hiện nay liên quan những đòi hỏi chủ quyền quá mức của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, động thái mà Mỹ gọi là “hành vi bắt nạt”. Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối tuần trước vẫn nói tình hình biển Đông “nhìn chung ổn định, tạo động lực cho hợp tác và các nhân tố tích cực gia tăng”. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói tại cuộc họp báo từ Manila hôm 30/7 rằng sự bảo đảm của Trung Quốc về hòa bình trên khu vực tranh chấp không ăn nhập với hành động. “Cách Trung Quốc giành bãi cạn Scarborough, đối với tội, là bắt nạt”, Bloomberg dẫn lời ông Lorenzana.
Trung Quốc vẫn thể hiện họ muốn thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử với Asean, sau khi 2 bên đã đồng ý một bộ khung ban đầu, một quan chức Indonesia cho biết hôm 29/7. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh bị tố đang đưa lực lượng tàu hải cảnh và dân quân biển ra khẳng định các đòi hỏi chủ quyền thái quá trên biển Đông.
“Biển Đông sẽ là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự - họ (Trung Quốc) sẽ tìm cách ngăn cản bất kỳ quan điểm cứng rắn hơn nào của các nước”, Bloomberg dẫn lời ông Alexander Neill, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington. “Họ có thể sẽ nhắc lại chủ quyền của họ đối với các đảo và rạn san hô và chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài”, ông Neill dự đoán.
Cạnh tranh Mỹ - Trung
Cuộc đấu quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ thể hiện trong các cuộc gặp năm nay của Asean, khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường chưa thấy hồi kết.
Ông Pompeo dự kiến sẽ có một bài phát biểu về việc Mỹ tăng cường tham gia về kinh tế với khu vực, một trong những trụ cột của tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do của chính quyền Trump.
Các chuyên gia cho rằng trong dịp này, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình thông qua sáng kiến Vành đai Con đường, một chương trình phát triển hạ tầng toàn cầu tham vọng.
Các lãnh đạo Asean tại hội nghị cấp cao diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã thông qua tuyên bố tầm nhìn của Asean về Ấn Độ - Thái Bình Dương dài 5 trang nhằm khẳng định lập trường trung lập.
“Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh giúp Asean có thêm ảnh hưởng và dư địa để hành động, nhưng đó là ảnh hưởng và dư địa mà Asean không muốn có hoặc không sử dụng”, ông Benjamin Zawacki, tác giả cuốn: “Thái Lan: Nơi chuyển dịch giữa Mỹ và một Trung Quốc đang lên”, nhận định.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ không đến Asean lần này, làm tan hy vọng diễn ra cuộc gặp với các quan chức Mỹ.
Dù có thể không gặp được đồng cấp Triều Tiên lần này, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo có thể sẽ nỗ lực hạ hỏa căng thẳng thương mại giữa 2 đồng minh khu vực lớn của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh Mỹ đang cần một mặt trận thống nhất trong ứng xử với Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các quan chức cao cấp Asean đã họp tại Bangkok từ ngày 29 -30/7 để trù bị cho Hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao Asean và các hội nghị liên quan. Các quan chức đã trao đổi về những vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Asean, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm Asean về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), quan hệ giữa Asean với các đối tác như Úc, New Zealand, tiến trình đàm phán COC và vấn đề biển Đông...