Căng thẳng biên giới Trung - Ấn: Học giả Trung Quốc và Ấn Độ nói gì?
Tình hình biên giới Trung - Ấn hiện rất căng thẳng, hai bên đều cho mình đúng và cáo buộc đối phương gây hấn. Trang Deutsche Welle đã phỏng vấn hai chuyên gia của Trung Quốc và Ấn Độ để nghe họ phân tích tình hình mới nhất giữa hai nước. Một khi chiến tranh nổ ra, ai có cơ hội chiến thắng?
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng hôm 10/9 chẳng những không giảm mà còn tăng thêm. Deutsche Welle đã phỏng vấn bà Lưu Tiểu Tuyết, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và bà Aakriti Bachhawat, một nhà nghiên cứu gốc Ấn Độ của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, phân tích vấn đề mà tất cả các bên
quan tâm.
Trung Quốc và Ấn Độ liệu có xảy ra chiến tranh không? Ai sẽ thắng nếu có chiến tranh?
Lưu Tiểu Tuyết cho rằng, mặc dù hai ngoại trưởng Trung - Ấn đều tuyên bố chiến tranh không thể giải quyết vấn đề, nhưng cách làm giảm xung đột lại không đủ cụ thể. Bà nói: “Hiện giờ biên giới Trung Quốc đang rất căng thẳng, đều là do người Ấn Độ nói, cho thấy rằng họ thực sự cảm thấy căng thẳng”.
Về việc nếu hai bên thực sự giao tranh, bà Lưu tin rằng Trung Quốc có thể giành được chiến thắng áp đảo. Bà nói: “Đầu tiên quân đội tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao. Nó phụ thuộc vào bên nào có tiền, sau đó là sự ổn định chính trị của hai bên. Nếu một quốc gia dân chủ thua, nó chắc chắn sẽ sụp đổ. Chúng tôi (Trung Quốc) là một quốc gia thống nhất về chính trị, thắng thua không đều không quan trọng. Chúng tôi có thể kiên trì, có thể lâu dài vẫn có tiền để đánh”.
Bà Aakriti Bachhawat lại cho rằng PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) liên tục vi phạm kết quả các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên và tiếp tục khiêu khích, dẫn đến việc quân đội hai bên không đạt được mục tiêu cách ly tiếp xúc, xung đột không ngừng leo thang, rất có thể sẽ nổ ra chiến tranh trên biên giới.
Bà Bachhawat cho rằng, một cuộc chiến tranh kéo dài quả thực bất lợi cho quân đội Ấn Độ, nhất là việc phát triển và xây dựng biên giới của Ấn Độ không tốt bằng Trung Quốc và không thể tiếp tế hậu cần lâu dài như Trung Quốc. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, sau khi bước vào tháng 10, chiến trường ở núi cao về mùa đông có lợi cho quân đội Ấn Độ với “trang thiết bị và chiến thuật tốt hơn”. Vấn đề là không để chiến tranh kéo dài qua mùa đông, quân đội Ấn Độ có thể kiềm chế PLA thành công.
Số thương vong mỗi bên nói một phách, ai đáng tin hơn?
Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngày 17/9 nói Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu “PLA có thương vong nặng nề” là “tin giả”.
Hồ Tích Tiến nói: “Theo tôi được biết, số người chết của PLA trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan hôm 15/6 ít hơn nhiều so với 20 người chết ở phía Ấn Độ. Không có binh sĩ Trung Quốc nào bị quân đội Ấn Độ bắt, nhưng PLA đã bắt được rất nhiều tù binh vào ngày hôm đó”.
Lưu Tiểu Tuyết nói: “Người Ấn Độ nói quá giỏi, hùng biện và đổi trắng thay đen rất tốt, vì họ giỏi tiếng Anh”; nhưng bà cũng đề cập Trung Quốc không công bố con số thương vong thực tế, nên bà không có cách nào biết được thông tin cụ thể.
Bà Bachhawat nói: “Ấn Độ là một quốc gia dân chủ và Trung Quốc là một chính phủ chuyên chế. Tất nhiên, số liệu thống kê của Ấn Độ đáng tin cậy hơn vì số liệu thống kê của quân đội Ấn Độ đặt dưới sự giám sát của truyền thông và quốc hội”.
Bà nói, các quan chức Ấn Độ đã thông báo rất sớm có 20 người chết, nhưng con số thương vong của Trung Quốc đến nay vẫn chưa rõ. Bà cũng nhấn mạnh rằng mặc dù cá nhân bà tin rằng PLA đã phải chịu nhiều thương vong hơn, nhưng bà không chắc liệu quân đội Ấn Độ có phóng đại hay không.
Lãnh đạo hai bên đứng ra giải quyết?
Lưu Tiểu Tuyết cho rằng phía Trung Quốc “hoàn toàn ổn”, nhưng Ấn Độ có một “vấn đề thể diện”. Bà nói Trung Quốc hiện nhìn nhận rất tiêu cực đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cho rằng ông Modi không có cách nào đối phó thực sự với Trung Quốc và chỉ có thể sử dụng cách đánh các ứng dụng của Trung Quốc. “Hiệu quả kinh tế là không rõ ràng, chưa nói đến hiệu quả chính trị”.
Quan điểm của bà Bachhawat hoàn toàn trái ngược. Bachhawat cho rằng Trung Quốc đang “giữ thể diện” vì Trung Quốc có thể không ngờ rằng lần này quyết tâm của quân đội Ấn Độ lại mạnh mẽ đến như vậy, cho rằng trước việc Ấn Độ nhất quyết không lùi bước, Trung Quốc cũng không có nhiều lựa chọn. Bachhawat nhắc lại “trong quá khứ, ông Modi từng duy trì quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình và hai người đã gặp nhau nhiều lần, nhưng giờ đây giống như Trung Quốc đang tát vào mặt Ấn Độ, khiến Ấn Độ cảm thấy bị phản bội”.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Lưu Tiểu Tuyết nói, lập trường của Trung Quốc rất kiên định, “Đảng chỉ huy súng, chính phủ chỉ huy quân đội”. Bây giờ phụ thuộc vào cách Ấn Độ phản ứng thế nào.
Bà nói: “Đối với Trung Quốc chúng tôi, thái độ có đánh hay không rất kiên quyết. Nếu đánh, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Tất nhiên tốt hơn là không nên đánh. Hòa bình rất quan trọng, đàm phán là tốt nhất. Hai bên đã đạt được thỏa thuận 5 điểm, hãy thực hiện nó”.
Bachhawat đề cập, xét về phương diện chính trị toàn cầu, cộng đồng quốc tế tin tưởng Ấn Độ nhiều hơn, bởi vì các hành động của Trung Quốc tại biên giới Ấn Độ không tách rời khỏi sự bành trướng của họ tại các khu vực khác. Bà nói: “Nếu Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, không thay đổi mưu đồ thay đổi hiện trạng để chiếm lãnh thổ Ấn Độ, giống như bành trướng ở Biển Đông, thì Ấn Độ chỉ có thể tiếp tục buộc Trung Quốc phải trả giá đắt hơn cho việc quấy rối Ấn Độ”.