Căng thẳng bùng lên sau cảnh báo của ông Kim Jong Un
Một số dấu hiệu khiến giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang đưa vũ khí hạt nhân tới biên giới với Hàn Quốc, động thái nhằm răn đe Seoul và Washington.
"Có phải Triều Tiên đang đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới biên giới với Hàn Quốc, chỉ cách thủ đô Seoul, nơi sinh sống của khoảng 50% dân số nước này" là điều nhiều chuyên gia quan sát quân sự Triều Tiên đang nghi ngờ, theo AP.
Hôm 28/7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một lần nữa đe dọa Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu nếu nổ ra xung đột với Mỹ và Hàn Quốc.
Đây đã là lần thứ 2 chỉ trong vài tháng mà Bình Nhưỡng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc thực sự triển khai vũ khí hạt nhân tới biên giới liên Triều sẽ là bước leo thang đáng chú ý nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Dấu hiệu Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân
Triều Tiên vốn có hàng nghìn hệ thống vũ khí quy ước nhắm vào thủ đô Seoul, nơi có 28.000 binh sĩ Mỹ đồn trú.
Tuy nhiên, việc di chuyển tên lửa hạt nhân tầm ngắn tới biên giới là tín hiệu rõ ràng nhất từ trước đến nay, cho thấy Bình Nhưỡng muốn dùng vũ khí hạt nhân vừa để răn đe chính quyền mới của Hàn Quốc, vừa nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ từ Mỹ.
Lúc này, Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên sau 5 năm. Các chuyên gia về Triều Tiên tin rằng nỗ lực ngoại giao khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trong cuộc họp của Quân ủy trung ương Triều Tiên kết thúc hôm 23/6, nhà lãnh đạo Kim Jong Un và các quan chức cấp cao xác nhận bổ sung thêm nhiệm vụ tác chiến và điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho các đơn vị đóng gần biên giới Hàn Quốc.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đề cập trực tiếp tới vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên các chuyên gia quân sự tin rằng ngôn ngữ mơ hồ trong các thông báo chính thức là dấu hiệu Bình Nhưỡng có ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Đánh giá này dựa một phần vào các bình luận công khai gần đây từ giới quan chức Triều Tiên về một kế hoạch như vậy, cũng như hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược tại Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ quân sự Mỹ.
Một tín hiệu đáng chú ý xuất hiện hồi tháng 4, khi đó Triều Tiên bắn thử một vũ khí dẫn đường mới phát triển. Bình Nhưỡng tuyên bố vũ khí này cải thiện hiệu suất hoạt động của "vũ khí hạt nhân chiến thuật", củng cố hỏa lực của các đơn vị ở tiền tuyến.
Cuối tháng 4, ông Kim nói Triều Tiên có thể tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nếu bị khiêu khích.
Kim Yeol Soo, chuyên gia quân sự liên Triều tại Viện nghiên cứu quan hệ quân sự Hàn Quốc, cho rằng khả năng Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường giờ "lớn hơn nhiều" nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Loại vũ khí nhiều khả năng triển khai ở biên giới sẽ là loại tên lửa tầm ngắn cơ động, sử dụng nhiên liệu rắn, đã được Triều Tiên thử nghiệm kể từ khi đàm phán với Mỹ sụp đổ năm 2019.
Triều Tiên gọi các tên lửa này là vũ khí "chiến thuật", hàm ý trang bị chúng với đầu đạn hạt nhân công suất thấp. Các chuyên gia cảnh báo vũ khí này có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ.
Theo ông Kim Taewoo, cựu giám đốc Viện nghiên cứu thống nhất quốc gia tại Seoul, Triều Tiên có vẻ đã phát triển thành công công nghệ cho phép đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. Nếu đúng như vậy, nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bất cứ lúc nào.
Mỹ - Hàn sẽ phản ứng như thế nào?
Động thái giống như đang triển khai vũ khí hạt nhân dường như là một phần trong chiến thuật đe dọa của Triều Tiên nhắm vào Mỹ trong bối cảnh giải pháp ngoại giao rơi vào bế tắc.
Lúc này, Seoul và Washington cũng đang củng cố năng lực phòng thủ chung nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Chính phủ mới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Youl nhậm chức hồi tháng 5 đã cam kết tăng cường năng lực quốc phòng, củng cố hợp tác với Mỹ.
Trong khi hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã tránh các cuộc xung đột quân sự lớn kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 1953, các vụ đụng độ nhỏ vẫn nổ ra, khiến hàng chục người thiệt mạng từ cả hai phía.
Triều Tiên từng leo thang đe dọa, khiêu khích mỗi khi một chính phủ mới lên nắm quyền ở Hàn Quốc hoặc Mỹ nhằm tạo ra môi trường chính trị có lợi hơn cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Sau mỗi lần như thế, Bình Nhưỡng lại hạ nhiệt căng thẳng và tìm cách xích lại gần đối phương.
Kịch bản này có thể một lần nữa tái diễn.
Nhưng triển khai vũ khí hạt nhân ở biên giới sẽ làm phức tạp thêm phản ứng của Hàn Quốc khi Triều Tiên khiêu khích trong tương lai.
Trong hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 5, Washington đã cam kết triển khai tới khu vực các vũ khí chiến lược như máy bay ném bom tầm xa và hàng không mẫu hạm nhằm đáp trả khiêu khích từ Triều Tiên.
Hôm 22/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận các cuộc tập trận chung với Mỹ sẽ trở lại từ tháng 8 nhằm ứng phó mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nhưng Tổng thống Yoon cũng tuyên bố Hàn Quốc không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân hay đề nghị Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân tới nước này nhằm răn đe Triều Tiên.
Một số chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng như phát triển tên lửa tầm xa có khả năng bắn vào lãnh thổ lục địa của Mỹ, có thể làm giảm uy tín "ô bảo hộ hạt nhân" của Washsington.
Tuy vậy, chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định sẽ bảo vệ đồng minh Hàn Quốc bằng tất cả vũ khí mà Mỹ có.
Đang có ngày càng nhiều những tiếng nói tại Hàn Quốc kêu gọi Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên.
"Việc Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật có nghĩa đe dọa hạt nhân đã ở ngay trước mắt. Chúng ta nên chuyển sang chiến lược cân bằng hạt nhân nhằm loại bỏ đe dọa hạt nhân của Triều Tiên", chuyên gia Kim Taewoo nhận định.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là một phần trong kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân 5 năm mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un công bố năm 2021.
Trong năm 2022, Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tần suất dày chưa từng có, nhằm cải thiện khả năng tấn công răn đe Mỹ và Hàn Quốc.
Nhiều tuần qua, giới chức Mỹ và Hàn Quốc theo dõi sát các dấu hiệu về khả năng Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Vụ thử hạt nhân thứ 7, và cũng là cuối cùng, của Triều Tiên diễn ra năm 2017.
Thử hạt nhân có thể là một phần trong nỗ lực chế tạo đầu đạn hạt nhân phù hợp để đặt vào tên lửa chiến thuật hoặc tên lửa cỡ lớn.
Triều Tiên đến nay vẫn từ chối đề nghị đối thoại mở của chính quyền Tổng thống Biden. Bình Nhưỡng ra điều kiện Washington trước hết phải chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như hủy bỏ tập trận chung với Hàn Quốc.
Các chuyên gia nhận định việc Triều Tiên nối lại thử hạt nhân sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi thử hạt nhân là bước không thể thiếu trong kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân theo kế hoạch 5 năm của ông Kim Jong Un.
Nếu kịch bản này xảy ra, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ càng trở nên xa vời.