Căng thẳng cuộc chiến tịch thu tài sản bị đóng băng giữa Nga và phương Tây

G7 đang nỗ lực thu hẹp bất đồng về việc tịch thu tài sản Nga bị phương Tây phong tỏa trước thềm thượng đỉnh tại Italia vào giữa tháng 6 tới. Trong khi đó, Nga đã có bước đi chuẩn bị ứng phó đầu tiên.

Nga chính thức tung “đòn”

G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét thêm các đề xuất mới liên quan đến tài sản Nga bị đóng băng, tìm cách chuyển số tiền lãi từ số tài sản này cho Ukraine sớm nhất.

Đài RT đưa tin, ngày 21/5, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky cho biết, EU đã đồng ý sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga mà khối này phong tỏa để hỗ trợ Ukraine. Số tiền lãi hàng năm này dự kiến vào khoảng 3 tỷ USD.

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu, 90% số tiền này sẽ được sử dụng để mua vũ khí cho Ukraine thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), 10% còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.

Hạ viện Mỹ hồi tháng 4 vừa qua cũng thông qua dự luật viện trợ nước ngoài, trong đó kèm theo điều khoản về thanh lý tài sản Moscow đang bị đóng băng ở Mỹ để viện trợ Ukraine.

Trước những động thái của phương Tây, ngày 23/5, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh cho phép Nga tịch thu tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân và thực thể có liên quan Mỹ tại nước này - nếu Washington cố gắng tịch thu tài sản Moscow ở nước ngoài.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Sắc lệnh phác thảo một cơ chế cho phép Moscow bù đắp mọi thiệt hại do Washington gây ra với tài sản Nga bằng chính tài sản của Mỹ hoặc các tổ chức liên quan. Sắc lệnh cho chính phủ 4 tháng để chuẩn bị khung pháp lý cho cơ chế này và trình các đề xuất liên quan lên quốc hội để xem xét.

Giới chức Nga thừa nhận, Moscow chỉ nắm giữ một lượng tài sản nhà nước không đáng kể của Washington và bất kỳ phản ứng nào của đất nước đưa ra sẽ là không cân xứng. Vì vậy, Tổng thống Putin sẽ tập trung vào tài sản của các cá nhân và tổ chức Mỹ.

Trong khi đó, hôm 18/5, một tòa án ở Nga đã ra lệnh tịch thu bất động sản, tài khoản thanh toán và cổ phiếu của Ngân hàng Đức Deutsche Bank tại Moscow trong một vụ kiện có liên quan.

Theo Reuters, Deutsche Bank là một trong những ngân hàng cho vay bảo lãnh theo hợp đồng xây dựng dự án nhà máy xử lý khí đốt tại Nga với công ty hóa chất Linde của Đức. Tuy nhiên, hợp đồng này bị chấm dứt do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vụ kiện nhằm vào Deutsche Bank được đệ trình bởi công ty RusChemAlliance, có trụ sở tại St Petersburg. RusChemAlliance, do tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sở hữu 50% vốn, là nhà điều hành dự án xây dựng nhà máy xử lý khí đốt.

Theo yêu cầu của RusChemAlliance, tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu số tiền lên tới 259,36 triệu USD bao gồm cổ phiếu, bất động sản và tài khoản thanh toán của Deutsche Bank tại Nga.

Tòa án Nga cũng ra phán quyết tịch thu tài sản trị giá 93,7 triệu euro (101,85 triệu USD) của một ngân hàng khác của Đức là Commerzbank.

Trước đó, hôm 17/5, một tòa án Nga cũng ra lệnh tịch thu tài khoản thanh toán, cổ phiếu và bất động sản của UniCredit (tập đoàn ngân hàng và tài chính Italia) chi nhánh tại Nga.

G7 chưa đạt thỏa thuận khai thác tài sản của Nga

Bộ trưởng Kinh tế Italia Giancarlo Giorgetti cuối tuần trước thông báo, G7 vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách sử dụng doanh thu được tạo ra từ tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở nước ngoài để giúp đỡ Ukraine.

Theo đó, Italia giữ chức chủ tịch nhóm trong năm nay và tổ chức cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại thị trấn Stresa từ ngày 24-25/5.

Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Giorgetti cho biết, nhóm đã đạt được tiến bộ trong vấn đề tài sản của Nga, nhưng “vẫn chưa hoàn tất” quy trình vì lo ngại động thái này vẫn “gây ra các vấn đề pháp lý và kỹ thuật quan trọng”.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, các nước phương Tây đã phong tỏa gần 300 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Nga như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Khoảng 2/3 số tiền này được giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của EU và phần còn lại chủ yếu chưa được khai thác ở các quốc gia EU khác, với khoảng 5 tỷ USD ở Mỹ.

Các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 287 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: RT

Các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 287 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: RT

Trong khi Washington mong muốn tịch thu toàn bộ tài sản Nga bị đóng băng, G7 được cho là không xem xét lựa chọn này do các thành viên châu Âu lo ngại ảnh hưởng đến uy tín tài chính. Thay vào đó, nhóm G7 tập trung thảo luận các giải pháp nhằm khai thác lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa và cách sử dụng nguồn tài chính này.

Một trong những lựa chọn được bàn thảo rộng rãi nhất là sử dụng lợi nhuận trong tương lai từ các quỹ bị đóng băng làm tài sản thế chấp cho khoản vay trị giá hàng tỷ USD cho Kiev.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói với các phóng viên rằng “vẫn còn phải xem liệu có thể giới thiệu một công cụ như vậy hay không” do những hậu quả pháp lý mà nó có thể mang lại.

Một phương án khác cũng được xem xét tại hội nghị ở Stresa là phân bổ số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa trực tiếp cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, với 90% số tiền được sử dụng để mua vũ khí, trong khi 10% còn lại sẽ dùng để tái thiết đất nước.

Về phần mình, Moscow đã nhiều lần khẳng định bất kỳ hành động nào được thực hiện đối với tài sản của Nga ở nước ngoài đều sẽ bị coi là “trộm cắp”, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa nếu số tiền này bị tịch thu hoặc sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào để giúp đỡ Ukraine.

Theo ước tính của Sputnik, Nga hiện đang nắm giữ các tài sản của phương Tây trị giá khoảng 288 tỷ USD, nhiều hơn một tỷ USD so với số tài sản có nguy cơ bị phương Tây tịch thu.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cang-thang-cuoc-chien-tich-thu-tai-san-bi-dong-bang-giua-nga-va-phuong-tay.html