Căng thẳng cuộc đối đầu về khí đốt giữa Nga và châu Âu

Khí đốt vốn được coi là quân bài chiến lược trong cuộc đối đầu giữa Nga và châu Âu. EU là nhà nhập khẩu khí đốt lâu năm của Nga, với mức độ phụ thuộc lớn. Chỉ một thay đổi nhỏ về nguồn cung hay giá khí đốt cũng có thể khiến các nước này rơi vào thế khó, nhất là khi mùa đông sắp đến bởi đây là khoảng thời gian nhu cầu khí đốt tăng cao.

Năm 2021, Liên minh châu Âu nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc của các quốc gia thành viên vào năng lượng từ Nga, mới mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga, tương đương khoảng 100 tỷ mét khối vào cuối năm nay.

NGUỒN CUNG KHÍ ĐỐT CHÊNH VÊNH

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gia tăng, ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về quy tắc giao dịch khí đốt, yêu cầu các quốc gia và khu vực “không thân thiện” thanh toán bằng đồng rúp. Một số quốc gia từ chối thanh toán bằng đồng rúp như Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Latvia, cho đến nay đã bị dừng cung cấp khí đốt từ Nga. Giữa tháng 7 vừa qua, châu Âu đã được “nếm trải” cảm giác thiếu khí đốt, khi Nga tạm dừng nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do bảo trì. Ngày 21/7, đường ống vận hành trở lại, nhưng với công suất bằng 40% so với bình thường. Ngày 25/7, Nga thông báo giảm lượng khí đốt hàng ngày tới châu Âu qua đường ống này xuống còn 20%. Gazprom cho biết nguyên nhân là do các "vấn đề kỹ thuật" liên quan đến đường ống.

Người dân Đức: “Khí đốt bị cắt giảm ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ. Các bệnh viện được sưởi ấm bằng khí đốt, và cả các khu vực công cộng nữa. Và hiện nay, chúng ta không còn nguồn cung khí đốt nào khác.”

Người dân Italia: “Tôi cảm thấy rất lo lắng cho mùa đông sắp tới vì đó sẽ là thời điểm tồi tệ nhất khi giá khí đốt cứ tăng liên tục như hiện nay. Tôi sống trong một căn nhà rất lớn, có nhiều tầng, và để sưởi ấm nhà cửa trong tình hình như thế này là vô cùng khó khăn.”

CHÂU ÂU RƠI VÀO THẾ KHÓ

Các nước châu Âu cần khí đốt để phục vụ cho một loạt lĩnh vực, trong đó có các ngành sản xuất công nghiệp và sản xuất điện và sưởi ấm. Dứt bỏ khí đốt Nga, chính vì vậy, là không hề dễ dàng. Ngay từ ngày 30/5, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý ngừng hầu hết nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Nhưng phải đến cuối tháng 7 vừa qua, các nước EU mới có thể thông qua kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông, nhằm giảm tác động từ nguồn cung của Nga. Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ, một số nước châu Âu dễ bị đe dọa về khí đốt hơn so với các nước khác, và không hoàn toàn chào đón kế hoạch này.

Năm 2021, có tổng cộng 14 quốc gia tại châu Âu nhập khẩu hơn 50% lượng khí đốt từ Nga. Với nhiều nước Đông Âu như Bulgaria, Latvia, Serbia, Slovakia, Ba Lan, Áo và Hungary, nguồn cung khí đốt từ Nga chiếm từ 80% đến 99% tổng lượng tiêu thụ.

Trong bối cảnh "chiến tranh khí đốt" giữa Nga và châu Âu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế khí đốt từ Nga. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với nhu cầu của EU. Quay trở lại với điện than, hoặc điện hạt nhân là lựa chọn được một số quốc gia đưa ra.

Ông CHRISTIAN LINDNER, Bộ trưởng Tài chính Đức: “Trong bối cảnh hiện tại, tôi hoan nghênh việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Chúng ta phải ngăn chặn tình trạng thiếu điện. Khí đốt không còn được sử dụng để sản xuất điện vì nguồn cung đã trở nên quá khan hiếm.”

Theo các nhà phân tích, các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt đối với Nga đang đẩy chính khu vực này vào thế khó, trong khi Nga không phải chịu nhiều thiệt hại. Tháng 6 vừa qua, sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga giảm khoảng ¼ so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu lại gấp 3 lần, đạt 11,1 tỷ USD.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cang-thang-cuoc-doi-dau-ve-khi-dot-giua-nga-va-chau-au