Căng thắng mới EU-Belarus: Các nước châu Âu triệu Đại sứ Belarus; EU 'rần rần' tỏ thái độ, bàn cách trả đũa

Ngày 23/5, liên quan vụ việc máy bay Ryanair đang bay từ Hy Lạp tới Lithuania qua không phận Belarus bị chuyển hướng và phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk, nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã có phản ứng gay gắt.

Máy bay Ryanair bay từ Hy Lạp tới Lithuania qua không phận Belarus đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk. Nhiều nước EU đã lên tiếng phản ứng gay gắt. (Nguồn: AFP)

Máy bay Ryanair bay từ Hy Lạp tới Lithuania qua không phận Belarus đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk. Nhiều nước EU đã lên tiếng phản ứng gay gắt. (Nguồn: AFP)

Bộ Nội vụ Belarus đã xác nhận bắt giữ ông Roman Protasevich, người sáng lập một kênh trên Telegram mà Minsk coi là mang tư tưởng cực đoan quá khích, có mặt trên chuyến bay trên.

Theo thông tin truyền thông ban đầu, việc máy bay Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp tại Minsk do có đe dọa đánh bom, tuy nhiên, cố vấn của Tổng thống Lithuania bác bỏ thông tin trên.

Quan chức Lithuania cho biết, máy bay chiến đấu quân sự Su-29 và máy bay trực thăng Mi-24 đã được triển khai để chuyển hướng máy bay Ryanair - với khoảng 170 hành khách và phi hành đoàn tới từ 12 nước đang có mặt trên chuyến bay, trong đó có 94 công dân Lithuania - hạ cánh xuống sân bay Minsk.

Trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức, Bộ Ngoại giao Lithuania đã triệu Đại biện lâm thời Belarus và yêu cầu lập tức trả tự do cho máy bay của hãng hàng không Ryanair, đồng thời đề nghị các đồng minh EU triệu các đại sứ Belarus tại nước sở tại và phản đối hành động trên.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cũng lên tiếng kêu gọi Belarus cho phép máy bay Ryanair được bay tới Vilnius, trong khi đó, sân bay Minsk thông báo với hãng tin Sputnik rằng, máy bay đang chuẩn bị khởi hành.

Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước PAP của Ba Lan dẫn lời Thủ tướng nước này Mateusz Morawiecki cho biết, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu Đại sứ Belarus tại Warsaw về vụ việc trên.

Thủ tướng Morawieck gọi động thái của Minsk là một "hành động khủng bố nhà nước", tuyên bố: "Tôi mạnh mẽ lên án vụ chính quyền Belarus bắt giữ ông Roman Protasevich sau khi máy bay chở khách của Ryanair bị cưỡng chiếm".

Ông Morawiecki nhấn mạnh rằng, Ba Lan yêu cầu lập tức trả tự do cho ông Protasevich cũng như các nhà hoạt động Ba Lan và Belarus khác hiện đang bị bắt giữ, đồng thời kêu gọi Minsk chấm dứt các hành động đàn áp đối với dân thường và truyền thông độc lập.

Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa vấn đề trừng phạt khẩn cấp Belarus vào chương trình nghị sự cuộc họp hội đồng diễn ra vào ngày 24/5.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cũng đã lên tiếng kêu gọi giới chức Belarus lập tức thả ông Protasevich.

Trong khi đó, trên Twitter, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Miguel Berger tuyên bố: "Chúng tôi cần một lời giải thích tức thì từ chính phủ Belarus về việc chuyển hướng chuyến bay của hãng hàng không Ryanair từ trong nội bộ EU tới Minsk, cũng như vụ việc được cho là đã bắt giữ một nhà báo".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Áo kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ việc của máy bay Ryanair, đồng thời đề nghị Belarus trả tự do cho nhà hoạt động Roman Protasevich.

Cũng phản ứng về vụ việc này, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, hành động của Belarus là "chưa từng có tiền lệ và gây sốc".

Nhà lãnh đạo Hy Lạp kêu gọi cuộc họp Hội đồng châu Âu diễn ra vào ngày 24/5 cần gia tăng sức ép đối với Belarus.

Đồng quan điểm với Athens, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố, EU cần đưa ra một phản ứng "mạnh mẽ và thống nhất" về việc Belarus chuyển hướng chiếc máy bay Ryanair, coi đây là hành động "không thể chấp nhận".

Về phía EU, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, trong cuộc họp ngày 24/5 của các nhà lãn đạo Liên minh sẽ thảo luận vụ việc này, hệ quả cũng như khả năng áp đặt trừng phạt.

Trước đó trong ngày 23/5, Lithuania kêu gọi các nước EU cùng ra khuyến cáo các máy bay tránh không phận Belarus sau khi máy bay của Ryanair bị ép hạ cánh tại Minsk.

Theo Bộ Ngoại giao Lithuania, sẽ đưa ra Hội nghị Thượng đỉnh EU đề xuất về việc ra tuyên bố chung, trong đó, bao gồm lời kêu gọi công nhận vụ việc là một hành vi vi phạm các quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-moi-eu-belarus-cac-nuoc-chau-au-trieu-dai-su-belarus-eu-ran-ran-to-thai-do-ban-cach-tra-dua-146147.html