Căng thẳng Mỹ - Trung sau đại dịch COVID-19 có thể làm thay đổi cả thế giới
Mâu thuẫn giữa các siêu cường liên quan đến WHO chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh có thể làm thay đổi cả thế giới sau đại dịch COVID-19.
Sau đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, thế giới đối diện với nỗi lo thứ ba đến từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cơn thịnh nộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ là vấn đề nhỏ trong cuộc cạnh tranh đang gia tăng trên nhiều mặt trận. Căng thẳng dường như leo thang trong năm bầu cử ở Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump ám chỉ rằng đánh bại Bắc Kinh sẽ là trọng tâm chiến dịch.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy thông điệp giận dữ của Mỹ với chính phủ Trung Quốc đã tạo ra một lượng công chúng ủng hộ tương đối lớn.
Tổng thống Mỹ đang tập trung "tấn công" các tổ chức nước ngoài và đối thủ tuyển cử có mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc. Con trai và người quản lý chiến dịch bầu cử cũ của ông cũng thúc đẩy các cuộc gọi để "vỗ mặt" Trung Quốc bằng các hình phạt tài chính.
Hàng loạt dự luật được đưa ra tại Quốc hội Mỹ sẽ dần chuyển hướng sản xuất nguồn cung thiết yếu ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, hai quốc gia cũng sử dụng phương án trục xuất các nhà báo, cơ quan truyền thông của nhau.
Bài học đáng sợ từ lịch sử
3 năm trước, Graham Allison, hiệu trưởng sáng lập trường Kennedy của Harvard từng viết cuốn sách về mô hình kinh hoàng trong lịch sử thế giới: khả năng chiến tranh khi một cường quốc toàn cầu mới xuất hiện để thách thức trật tự cũ.
Allison đã nghiên cứu bài học của 16 thời khắc thay đổi như vậy trong 500 năm qua. Cuốn sách của ông lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc đang mắc phải những sai lầm tương tự trước đây dẫn đến thảm họa, và tình hình có thể tồi tệ hơn với những người theo chủ nghĩa dân tộc đang lãnh đạo hai nước.
Năm 2017, khi được hỏi, liệu có phải hai quốc gia hiện đang tiến gần hơn đến sự thù địch công khai, Allison trả lời dứt khoát: "Đó là điều chắc chắn”.
Theo AP, chính phủ Trung Quốc đã có bằng chứng trong một tuần về nguy cơ xảy ra đại dịch, dù vậy, họ lại trừng phạt những người sớm đưa thông tin cảnh báo và hạn chế nghiên cứu về thứ mà được các nhà hoạt động quốc tế gọi là "khoảnh khắc Chernobyl" của Trung Quốc.
Cơn giận của người dân nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng, được thể hiện với những cuộc biểu tình hay tưởng niệm trên khắp đất nước. Sự thất vọng ấy nhanh chóng trở thành chủ đề để Trump khai thác, trong bối cảnh chính quyền của ông bị lên án vì phản ứng không nhất quán với khủng hoảng.
Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, cho rằng sự thiếu hụt khẩu trang trên toàn thế giới đã trở nên tồi tệ hơn vì chính phủ Trung Quốc mua hàng trăm triệu chiếc từ rất sớm, trong khi cộng đồng quốc tế "vẫn đang mơ hồ" về mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
"Đó là cuộc thảo luận quan trọng mà chúng ta cần có với Trung Quốc, ít nhất là sau khi mọi chuyện kết thúc", Navarro nói với Fox News tuần trước.
Video: Tổng thống Trump cảnh báo Trung Quốc có thể gánh hậu quả vì Covid-19
Thông điệp “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về COVID-19” của chính quyền Trump nhanh chóng nhận được sự đồng thuận áp đảo ở Mỹ với tỷ lệ lên tới 90% ở đảng Cộng hòa và 67% đảng Dân chủ.
Chiến dịch của Trump hiện liên tục giáng những đòn mạnh mẽ vào Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden vì mềm mỏng với Trung Quốc, đồng thời lên án con trai của Biden đang thu lợi từ các mối quan hệ với Bắc Kinh.
Người phát ngôn chiến dịch của Biden sau đó đã phản bác lại cáo buộc bằng cách chỉ ra một sự mâu thuẫn rõ ràng trong thông điệp của Trump: đích thân Tổng thống Mỹ đã từng ca ngợi việc xử lý dịch bệnh của Trung Quốc. Đó là một trong nhiều bước ngoặt trong thông điệp thất thường của chính Trump trong cuộc khủng hoảng này.
Các tổ chức quốc tế bị kéo vào mâu thuẫn Mỹ - Trung
Một cựu quan chức Canada tiết lộ về các mối đe dọa mới mà đại diện cơ quan tình báo Canada liệt kê: “các tổ chức quốc tế sẽ là một trong ba khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự thù địch Trung Quốc - Mỹ”.
WHO là tổ chức quốc tế mới nhất cuốn vào vòng xoáy căng thẳng. Mỹ đã tạm ngừng tài trợ cho WHO giữa đại dịch vì cho rằng tổ chức này không làm hết trách nhiệm, thiên vị Trung Quốc và phản ứng quá chậm trước sự lây lan dữ dội của COVID-19.
"Không có câu trả lời cụ thể cho những vấn đề nói trên", Stephanie Carvin, cựu nhân viên Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) và hiện là giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Norman Paterson thuộc Đại học Carleton, khẳng định.
Bà nhấn mạnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc không chỉ đe dọa WHO. Nó còn là một phần của tranh chấp lớn hơn đã làm tê liệt Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các quốc gia cũng đang đấu tranh về quyền bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tổ chức có thể sớm đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các nền kinh tế đang chững lại. Bà Carvin đoán rằng có một sự "tăng tốc" căng thẳng hiện có tại các cơ quan quốc tế.
Ngoài ra, ít nhất 9 dự luật ở Quốc hội Mỹ sẽ được xem xét nhằm nghiên cứu hoặc đảo ngược sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về vật tư y tế.
Giáo sư Carvin còn cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng áp lực kinh tế để đạt được mục đích chính trị, hào phóng cho các quốc gia thân thiện hơn và trừng phạt kẻ thù.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng thiện chí, chuyển khẩu trang cho các quốc gia khác, bao gồm cả Canada khi phần còn lại của thế giới tranh giành nguồn vật tư này.
Một nhà phân tích thương mại có trụ sở tại Washington cho biết Mỹ sẽ cần cân nhắc kỹ nếu thực sự muốn tách khỏi sự phụ thuộc về thương mại với Trung Quốc.
Mỹ sẽ xem xét có nên gia nhập lại các liên minh khác trong thỏa thuận thương mại châu Á-Thái Bình Dương hay không. Đó cũng là vấn đề được nhắc đến trong chiến dịch tranh cử. Trump đã rút Mỹ khỏi TPP, còn Biden muốn Mỹ gia nhập lại.
Và có một điều chắc chắn, quan hệ Mỹ - Trung sẽ thay đổi sau đại dịch COVID-19.