Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Cổ phiếu nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi?

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhưng thay vì chịu tác động tiêu cực, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư. Nhiều nhóm ngành như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp và logistics đang đứng trước cơ hội bứt phá.

Giá nông sản Mỹ đồng loạt tăng sau khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cơ hội nào cho ASEAN?

Xuất khẩu Việt Nam bứt phá

Ông Trương Đắc Nguyên - Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược Thị trường, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nếu tiếp tục leo thang cũng không phải điều quá xa lạ.

Chúng ta đã từng chứng kiến những diễn biến tương tự trong năm 2018. Khi đó, nhiều người vội kết luận rằng thị trường giảm điểm chủ yếu do chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác động tiêu cực từ căng thẳng này đến doanh nghiệp Việt Nam không quá lớn. Nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc là do định giá cổ phiếu khi đó đã lên mức quá cao.

Nhìn lại năm 2018, có thể thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bị định giá cao. Ngay sau đó, các cổ phiếu này đều giảm mạnh, gây áp lực lớn lên toàn thị trường. Như vậy, chính yếu tố nội tại về mức định giá quá cao mới là nguyên nhân chính, chứ không hoàn toàn do chiến tranh thương mại. Thậm chí, Việt Nam còn là một trong những quốc gia hưởng lợi khi các dòng vốn đầu tư và thương mại có sự dịch chuyển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dữ liệu xuất khẩu cũng phản ánh rõ điều này. Trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ở mức khiêm tốn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 114 - 117 tỷ USD/năm, tương đương mức tăng khoảng 167%, tức gần 2,5 lần. Trong khi đó, Trung Quốc lại chứng kiến mức giảm đáng kể, khoảng 9%. Xuất khẩu từ châu Âu và Bắc Mỹ sang Mỹ cũng tăng gần 50%, trong khi khu vực Nam Mỹ và Mexico tăng khoảng 3,6%. Điều này cho thấy Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển do tác động của chiến tranh thương mại.

Chuyên gia từ TPS cho rằng, Mỹ nhắm đến Trung Quốc không chỉ vì vấn đề thương mại mà còn là một chiến lược kiềm chế sức mạnh kinh tế của nước này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không phải là đối thủ chiến lược của Mỹ, mà thậm chí còn có thể đóng vai trò thay thế Trung Quốc trong một số chuỗi cung ứng quan trọng.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là khi xuất khẩu từ Bắc Mỹ, Canada và Mexico vào Mỹ tăng mạnh, có thể xuất hiện những lo ngại rằng Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu Mỹ siết chặt chính sách thương mại. Tuy vậy, xét về mối quan hệ ngoại giao, ông Trump trong nhiệm kỳ trước từng có những nhận định tích cực về Việt Nam, đánh giá cao sự cởi mở và thiện chí hợp tác của chính phủ Việt Nam.

Xét về khía cạnh kinh tế, nếu Mỹ hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Mexico, họ sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế với mức giá hợp lý hơn để tránh làm trầm trọng thêm lạm phát – vốn vẫn đang là mối quan tâm lớn của nước này. Với lợi thế về chi phí và chất lượng sản xuất, Việt Nam có thể trở thành lựa chọn phù hợp hơn. Do đó, nguy cơ Việt Nam bị áp thuế cao là không lớn.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành tại Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi rõ rệt từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này. Đầu tiên là ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra và cá thịt trắng – những mặt hàng trước đây Trung Quốc cung cấp nhiều cho Mỹ. Tiếp theo là ngành dệt may, khi Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ra, sự siết chặt hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy ngành bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Minh chứng rõ ràng nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Chỉ tính riêng tháng 1, tổng vốn FDI đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng tới 48,6% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi năm trước con số cao nhất chỉ khoảng 2,3 tỷ USD. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam như một điểm đến thay thế Trung Quốc.

Cuối cùng, ngành logistics và vận tải cũng sẽ được hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của xuất khẩu. Khi kim ngạch thương mại tăng trưởng 165%, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Dòng tiền quay lại, thanh khoản cải thiện

Về diễn biến thị trường, theo ông Nguyễn Vũ Thạnh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư từ TPS, dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm 2024 dự kiến sẽ có những biến động đáng chú ý. Theo ông, mức thanh khoản trung bình thường dao động khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý IV/2024, thị trường đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt tại sàn HoSE với thanh khoản vượt mức 13.000 tỷ đồng.

Diễn biến nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index trong sáng ngày 12/02. Nguồn: FiinTrade.

Diễn biến nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index trong sáng ngày 12/02. Nguồn: FiinTrade.

Bước sang năm 2025, trong khoảng 2 tuần đầu tháng 1, thanh khoản thị trường trung bình chỉ đạt 10.000 tỷ đồng, phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường. Dù vậy, trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản trên HoSE đã phục hồi rõ rệt, đạt mức 13.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực, khi dòng tiền có xu hướng quay trở lại, báo hiệu sự cải thiện của thanh khoản trong thời gian tới.

Chuyên gia từ TPS đánh giá, trong trường hợp có biến động lớn, chẳng hạn như Mỹ bất ngờ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam tương tự như đối với Trung Quốc, thanh khoản thị trường có thể sụt giảm mạnh xuống dưới 10.000 tỷ đồng. Dù vậy, xác suất xảy ra kịch bản này không cao.

Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong tháng 1 là sự kiện ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. Trong giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư vẫn dè dặt quan sát, chưa thực sự rõ ràng về chính sách kinh tế mà chính quyền mới sẽ triển khai, khiến thanh khoản thị trường có phần suy giảm, duy trì ở mức 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Thạnh, khi các động thái của ông Trump dần trở nên rõ ràng hơn, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ sở để đưa ra quyết định, từ đó thúc đẩy thanh khoản tăng trở lại. Đối với Việt Nam, triển vọng từ căng thẳng thương mại toàn cầu cũng được đánh giá theo hướng tích cực.

Chiến tranh thương mại có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là bất lợi cho Việt Nam, khi các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đây cũng là yếu tố giúp thị trường chứng khoán ổn định và thu hút dòng tiền mạnh hơn.

Dựa trên các diễn biến hiện tại, ông Thạnh dự báo thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới. Trung bình, thị trường có thể duy trì mức thanh khoản khoảng 12.000 – 13.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng vào cuối tháng 2./.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-co-phieu-nhom-nganh-nao-se-huong-loi-170265.html