Căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung ngày càng gay gắt

'Cuộc chiến' thương mại cùng đối đầu trong lĩnh vực công nghệ đang khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, đe dọa triển vọng của nền kinh tế thế giới.

Những đòn “ăn miếng trả miếng”

Một thời gian sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động “cuộc chiến” thuế quan chống lại Trung Quốc, nhiều người hy vọng tình hình sẽ thay đổi khi ông Donald Trump rời nhiệm sở và tự do thương mại - đầu tư, cùng với tất cả các lợi ích của nó như lạm phát thấp và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, sẽ sớm quay trở lại. Thế nhưng, mọi thứ đã không diễn ra như vậy. Không những thế, người kế nhiệm ông Donald Trump là Tổng thống Joe Biden còn tung ra một “kho vũ khí” thương mại được cho là tinh vi hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và cấm đầu tư có mục tiêu.

Trung Quốc đang cố gắng chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn

Trung Quốc đang cố gắng chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn

Mới hôm 6-10 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ với lý do các công ty này hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quân sự và quốc phòng của Nga. Bắc Kinh lên án động thái này, chỉ trích Washington “ép buộc kinh tế và bắt nạt”. Quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng gặp nhiều rắc rối. Hệ quả là theo dữ liệu từ Quốc hội Mỹ, hiện Mexico và Canada đã thay thế Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ, hôm 17-10 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các quy định mới nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các chíp máy tính và thiết bị sản xuất chíp tiên tiến. Quyết định này nâng cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng mà Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ bị cấm tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn với các công ty Trung Quốc không có giấy phép. Cùng với các lệnh cấm trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn quyết tâm đưa hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực chiến lược như xe điện và chất bán dẫn trở lại Mỹ.

Để phản đòn, tháng 8-2023, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu gallium và germanium, hai loại nguyên tố hiếm quan trọng dùng trong sản xuất thiết bị bán dẫn. Theo dữ liệu từ Critical Raw Materials Alliance, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% sản lượng gallium và 60% sản lượng germanium toàn cầu. Trước đó, trong tháng 7, Trung Quốc xuất khẩu 5,15 triệu tấn sản phẩm gallium và 8,1 triệu tấn sản phẩm germanium.

Không những thế, hiện Trung Quốc gần như nắm độc quyền trong lĩnh vực chế biến nhiều loại khoáng sản, chẳng hạn 90% đất hiếm là do Trung Quốc tinh chế. Sự thống trị này cho phép Trung Quốc kiểm soát một phần giá cả và qua đó kiểm soát chi phí sản xuất các nguyên liệu cần thiết để chế tạo ô tô chạy điện hoặc điện thoại di động. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thị trường khoáng chất để chuyển đổi năng lượng đã tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm, lên thành 320 tỷ USD trong năm 2022, và đến năm 2050 nhu cầu khoáng chất sẽ tăng nhảy vọt 500%. Theo dự báo, chỉ riêng mức tiêu thụ lithi sẽ tăng gấp 8 lần từ năm 2022-2040. Số lượng ô tô điện trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng gấp 10 lần từ nay đến năm 2030 và đạt 250 triệu xe.

Sự đối đầu về mặt kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo theo những thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu. Trong đó, xu hướng giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang làm suy yếu chuỗi cung ứng, kéo theo các vấn đề về lạm phát và lãi suất tăng cao. Căng thẳng Mỹ - Trung còn tạo nguy cơ chia thế giới thành hai, khiến những quốc gia phụ thuộc sâu vào Bắc Kinh hoặc Washington phải hứng chịu các tác động tiêu cực.

Điều chỉnh để tránh đổ vỡ quan hệ?

Mặc dù đối đầu nhau nhưng chia tách hẳn hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc thì chưa mấy ai dám nghĩ tới. Trong một bài giảng gần đây tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers lưu ý: “Thật khó để tưởng tượng một cách tiếp cận vấn đề kém tin cậy hơn việc cộng tất cả những thiệt hại từ hàng nhập khẩu mà không tính đến việc làm được tạo ra và tác động kinh tế của hàng hóa chúng ta bán sang Trung Quốc”. Ông Lawrence Summers cho rằng, Mỹ cũng nhận được “đầu vào với chi phí thấp hơn” từ Trung Quốc, dẫn đến lạm phát vừa phải và được hưởng lợi từ “chi phí vốn thấp hơn” liên quan đến dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng thích ứng nhanh với tình hình mới. Tháng 9 vừa rồi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã khiến các đối thủ Mỹ giật mình khi cho ra mắt điện thoại thông minh cao cấp với chíp điện tử có kích cỡ 7 nano mét “100% made in China”. Trong bối cảnh bị Mỹ kiểm soát ngặt nghèo, Trung Quốc cho thấy vẫn đủ sức thu hẹp khoảng cách với Mỹ mà không cần linh kiện bán dẫn hay công nghệ, máy móc của Mỹ và các đồng minh.

Các nhà phân tích còn chỉ ra những ràng buộc từ cả hai phía. Chẳng hạn, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của các thương hiệu xa xỉ. Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố sẽ loại bỏ các thương hiệu xa xỉ của giới tinh hoa phương Tây. Các ngân hàng Trung Quốc cũng yêu cầu nhân viên không mặc đồ châu Âu xa xỉ khi đi làm. Điều này sẽ giáng đòn nặng với các hãng thời trang phương Tây vốn quen kiếm lời trên thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, người ta hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải có điều chỉnh để tránh đổ vỡ quan hệ. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washington đã tiến hành một loạt trao đổi quan chức cấp cao. Bốn quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Bắc Kinh trong mùa hè này, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và đặc phái viên hàng đầu về khí hậu John Kerry. Về phía Trung Quốc, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã gặp ông Antony Blinken tại New York bên lề phiên họp khóa 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có cuộc hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng 9-2023 tại Malta. Trước đó, cuối tháng 8-2023, Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập hai nhóm công tác kinh tế trong nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng giữa hai nước. Hai nhóm công tác này sẽ do Bộ Tài chính Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đứng đầu với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

Đặc biệt, hôm 6-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập khả năng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại San Francisco vào giữa tháng 11 mà ông chủ trì. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng nhiều lần thể hiện mong muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay cũng như bày tỏ ý định tìm cách “quản lý một cách phù hợp” những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cang-thang-thuong-mai-va-cong-nghe-my-trung-ngay-cang-gay-gat-post555685.antd