Căng thẳng Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến động thái nới lỏng tiền tệ của ECB?
Căng thẳng Israel-Iran cũng như xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động lớn đến chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong thời gian tới.
Theo nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), căng thẳng tại Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất đối với việc cắt giảm lãi suất trong tương lai của ngân hàng này.
Vào hôm thứ Tư, Thống đốc ngân hàng trung ương Áo Holzmann trả lời phỏng vấn của CNBC: “Tại thời điểm này, tôi cho rằng rủi ro lớn nhất đến từ xung đột địa chính trị, từ những gì đã diễn ra ở Trung Đông”.
Ông nói thêm: “Bạn có thể tưởng tượng, chỉ cần một chiếc thuyền bị chìm ở eo biển Hormuz cũng có thể khiến giá dầu thay đổi. Điều này sẽ buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình”.
Chuyên gia này cho biết biến động của giá năng lượng là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát tại châu Âu, viện dẫn việc giá dầu tăng đột ngột có thể sẽ tạo ra một cú sốc lớn.
Theo ông Holzmann, sẽ an toàn hơn nếu ECB không vội vàng cắt lãi suất.
Trước đó, vào hôm thứ Ba, nhà hoạch định chính sách ECB Olli Rehn cũng đưa ra quan điểm tương tự khi nhận định khả năng giảm lãi suất vào tháng 6 phụ thuộc vào việc lạm phát sẽ giảm như kỳ vọng. Ông lưu ý thêm thách thức lớn nhất đối với chính sách tiền tệ là căng thẳng Iran-Israel và xung đột Nga-Ukraine.
Cựu thống đốc Ngân hàng Phần Lan này cho biết: “Những rủi ro lớn nhất đến từ căng thẳng địa chính trị, cả việc tình hình chuyển biến xấu hơn tại Ukraine và leo thang xung đột tại Trung Đông, cũng như những tác động liên quan”. Ông nói thêm: “Khi mùa Hè đến, chúng ta có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu như lạm phát tiếp tục giảm như dự kiến”.
Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc không kích quy mô lớn của Iran vào nước này hôm thứ Bảy. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi các bên cần phải hết sức kiềm chế sau cuộc tấn công.
Giá dầu tiếp tục giảm vào chiều thứ Tư, đợt giảm thứ ba liên tiếp do lo ngại về việc nhu cầu sẽ vượt quá nguồn cung.
Giá dầu thô Brent giao tương lai tháng 6/2024 dừng ở mức 89,05 USD/thùng vào 2:40 giờ London, trong khi giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm 0,9% xuống 84,57 USD/thùng.
Hôm thứ Ba, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng này sắp tiến hành cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tiếp tục đi xuống.
“Chúng tôi thấy rằng lạm phát đang giảm như mong đợi. Nếu quá trình này vẫn tiếp diễn cũng như không có bất kỳ một cú sốc lớn nào xảy đến, việc nới lỏng các chính sách tiền tề là khả thi” – bà Lagarde nói với CNBC, tuy nhiên không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về thời điểm cắt giảm.
Các chuyên gia kinh tế nhận định tháng 6 là thời điểm thích hợp để bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Vào hôm thứ Tư, nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi dữ liệu nhằm đưa ra chính sách phù hợp.
“Chúng tôi có thể sẽ đưa ra quyết định quan trọng vào tháng 6. Kỳ vọng của thị trường sẽ rất rõ ràng vào thời điểm đó” – Mario Centeno, Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha, cho biết. Ông nói thêm: “Tôi chắc rằng chúng tôi sẽ đưa ra phán ứng phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế khu vực đồng euro như đã đưa ra trong dự báo”.
Tại cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 11/4, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức cao kỷ lục 4%. Mức này được duy trì ổn định kể từ tháng 9 năm ngoái nhằm kéo giảm lạm phát. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết về một động thái giảm lãi suất khi lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt.
“Nếu đánh giá cập nhật của Hội đồng Thống đốc về triển vọng lạm phát và niềm tin từ việc chính sách tiền tệ sẽ giúp lạm phát tiến gần đến mức 2% bền vững, đây sẽ là cơ sở để nới lỏng chính sách tiền tệ hiện tại” – ECB cho biết.