Căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc lo sinh viên bị lôi kéo làm gián điệp
Trung Quốc vừa công bố quy định phản gián, khiến phương Tây lo ngại hoạt động của doanh nghiệp, người nước ngoài tại Trung Quốc khó khăn hơn.
Sĩ quan cảnh sát tại Urimqi, Khu vực tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Trung Quốc giải thích về các kỹ năng phát hiện hành vi gian dối trong Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia Trung Quốc
Siết chặt giám sát, phòng gián điệp
Trung Quốc vừa công bố quy định chống do thám mới vào ngày 26/4, cho phép cơ quan an ninh quốc gia lập danh sách các công ty, tổ chức có nguy cơ cao bị các tổ chức nước ngoài do thám, yêu cầu các thực thể có tên trong danh sách phải tuân thủ các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin cho nước ngoài, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng tải trong bài bình luận.
Quy định mới không nêu cụ thể ngành nghề, lĩnh vực hoặc công ty nào có tên trong danh sách rủi ro, thay vào đó, đưa ra điều kiện, mức độ quan trọng của ngành đó, mức độ tham gia của yếu tố nước ngoài và xét trong quá khứ đã xảy ra trường hợp nào gây nguy hại tới an ninh quốc gia hay chưa.
Cụ thể hơn, các công ty, tổ chức hoặc nhóm xã hội trong danh sách rủi ro phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bao gồm: yêu cầu nhân viên ký thư cam kết trước khi nhận nhiệm vụ; báo cáo mọi hoạt động có liên quan tới an ninh quốc gia; đào tạo nhân sự chống phản gián qua hội thảo, phim ngắn trước khi cho phép họ đi công tác nước ngoài và buộc phải qua thẩm tra cá nhân khi trở về.
Vì các gián điệp nước ngoài, cơ quan tình báo, thế lực thù địch tăng cường do thám và ăn trộm thông tin tình báo chống lại Trung Quốc thông qua nhiều phương pháp đa dạng, trên nhiều lĩnh vực hơn nên quy định mới sẽ trả lời rõ những câu hỏi "cái gì, ai và làm thế nào" để bảo vệ quốc gia trước những mối đe dọa từ nước ngoài, Global Times dẫn lời quan chức đến từ cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc cho biết.
Một sinh viên Bắc Kinh, là con gái một quan chức tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tiết lộ: "Các hoạt động do thám của nước ngoài nhan nhản ở mọi nơi, có thể bắt gặp ngay trong cuộc sống thường nhật. Tôi từng chứng kiến một sinh viên cũng là con một quan chức Trung Quốc, phải bỏ học giữa chừng khi đang theo học một trường đại học ở Mỹ vì bị các lực lượng nước ngoài nhắm mục tiêu".
Bản thân sinh viên Bắc Kinh này cũng được cha giáo huấn, làm công tác tư tưởng, cảnh giác với tình báo phương Tây trước khi sang Anh du học.
Đi công tác phải bỏ hết điện thoại, máy tính ở nhà
Global Times dẫn lời một nhân viên chịu trách nhiệm vấn đề ngoại giao của một doanh nghiệp quốc doanh có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, giấu tên cho biết, cơ quan nơi người này đang làm đã tăng cường hoạt động an ninh phản gián đối với tất cả nhân sự ra nước ngoài từ năm 2019 khi giới lãnh đạo Trung Quốc tái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải nâng cao an ninh quốc gia.
“Tất cả nhân viên đi công tác nước ngoài, đặc biệt tới các quốc gia trong liên minh Ngũ Nhãn như Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, đều phải nghiêm túc báo cáo lịch trình đi lại, làm việc, những cuộc gặp với nhân viên nước ngoài”.
Đặc biệt, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính xách tay, thiết bị lưu dữ liệu USB, thường chứa các thông tin nhạy cảm, được coi là vật dụng quan trọng đối với các cơ quan tình báo. Do đó, các doanh nghiệp như công ty kể trên đã yêu cầu nhân viên làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm hoặc nắm giữ các tệp tài liệu quan trọng, buộc phải để lại thiết bị điện tử ở nhà và dùng thiết bị mới khi ra nước ngoài.
Báo Trung Quốc dẫn lời ông Li Wei, một chuyên gia về an ninh quốc gia và chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương Đại Trung Quốc cho biết: “Quy định mới nhấn mạnh việc các công ty, thực thể của Trung Quốc cần phải thực hiện biện pháp đề phòng nguy cơ nước ngoài do thám”.
Chuyên gia Li chỉ ra đã có vô vàn trường hợp, người dân Trung Quốc đang làm việc trong nhiều ngành công nghiệp đã bị lóa mắt vì tiền và bị lôi kéo vào các hoạt động do thám, gián điệp, trở thành con mồi để các cơ quan tình báo nước ngoài lợi dụng, moi thông tin.
Đầu tháng này, truyền thông Trung Quốc đăng tải hình ảnh đồ họa cảnh báo, gián điệp có thể nhắm vào bất cứ ai từ nhân viên công vụ đến sinh viên đại học và cả những cư dân mạng non trẻ, lôi kéo họ bằng tiền, mối quan hệ, mỹ nhân kế...
Lo ngại doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó khăn hơn
Trong khi đó, hãng tin CNN dẫn lời ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết, với quy định mới, Bắc Kinh muốn đưa cả các công ty thương mại, đại học, truyền thông và tổ chức cố vấn dưới tầm kiểm soát của chính phủ chặt chẽ hơn nữa để giám sát và báo cáo hoạt động của các tổ chức phương Tây đang vận hành tại Trung Quốc. Do đó, điểm này khiến các doanh nghiệp phương Tây sẽ phải chịu nhiều thách thức hơn khi làm ăn tại Trung Quốc.
Vài năm gần đây, đã có rất nhiều doanh nhân, sinh viên người nước ngoài lọt vào tầm ngắm của an ninh Trung Quốc, bị cáo buộc cung cấp thông tin mật của nước này cho nước ngoài như Mỹ.
Quy định phản gián được công bố vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào ngày 1/7 tới.
Và Trung Quốc cũng không phải nước duy nhất lo ngại về vấn đề nước ngoài do thám khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây ngày càng lao dốc.
Từ phía Mỹ, trong báo cáo thường niên vừa công bố tháng trước, các cơ quan tình báo Mỹ cũng cho biết, Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ, cáo buộc nước này thực hiện nhiều hoạt động do thám với Washington.