Ông Trump im lặng bí ẩn sau khi Mỹ 'cởi trói' tên lửa tầm xa cho Ukraine

Sở dĩ ông Donald Trump vẫn im lặng trước việc Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu nước Nga là vì có 'chiến lược lớn'.

Khi ông Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump ngồi trò chuyện bên lò sưởi vào tuần trước, vị tổng thống sắp mãn nhiệm đã nói rõ rằng việc ủng hộ Ukraine là vì lợi ích của Mỹ.

Tổng thống Biden cảnh báo nếu Nga thành công trên chiến trường Ukraine, Mỹ sẽ có nguy cơ bị kéo vào cuộc xung đột quy mô lớn hơn ở châu Âu.

Đây là lập luận mà ông Trump đã bác bỏ trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí ngay khi ông giành chiến thắng.

Nhưng khi ông chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng với lời hứa chấm dứt cuộc xung đột ngay từ ngày đầu cầm quyền, có những lý do khiến ông Trump có thể lắng nghe người tiền nhiệm - theo tờ Telegraph.

Tổng thống đắc cử thứ 47 nước Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột. Ông chắc chắn hiểu dù là Nga hay Ukraine, bất cứ bên nào cũng đều muốn đàm phán với một vị thế "cửa trên".

Tại cuộc gặp gỡ ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden rất muốn thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Tại cuộc gặp gỡ ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden rất muốn thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Gần một tuần sau cuộc trò chuyện này, Tổng thống Biden có bước đi táo bạo khi được cho là cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Nhiều đồng minh và đối tác của ông Trump, bao gồm con trai ông, đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền ông Biden.

Tuy vậy, tất cả nhân vật quan trọng trong vòng tròn thân cận của ông Trump như các ứng viên mà ông đề cử giữ chức bộ trưởng ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng quốc phòng vẫn im lặng một cách kỳ lạ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tương lai Mike Waltz cho rằng quyết định cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tấn công xuyên biên giới là một "sự leo thang", song thay vì chỉ trích động thái này, ông cho biết đó là một lựa chọn "chiến thuật" của Nhà Trắng.

"Tổng thống đắc cử đang để mắt đến một ‘chiến lược lớn’ để chấm dứt xung đột Nga -Ukraine" - ông Mike Waltz nói với Fox News – "Theo kế hoạch do các cố vấn chính sách trước đây của ông Trump đưa ra, Mỹ cần trang bị cho Ukraine đủ hỏa lực để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán".

Việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể cho phép Mỹ tập trung vào mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của nước này là đối trọng Trung Quốc, trong khi giảm bớt sự ràng buộc của Washington với các đồng minh.

Vị thế của Ukraine đang suy yếu, lực lượng của họ bị tê liệt vì thiếu hụt nhân lực, trong khi Nga đang tiến lên chậm nhưng chắc trên hầu hết chiến tuyến rộng lớn.

Trong khi đó, nhiều báo cáo cho rằng Triều Tiên có thể triển khai tới 100.000 quân tới Nga.

Tuy nhiên, con số mới nhất do Washington công bố cho thấy 10.000 binh sĩ Triều Tiên sẽ tham gia vào lực lượng 50.000 quân mà Nga triển khai để giành lại khu vực Kursk bị Ukraine đột kích từ tháng 8. Khu vực phía Nam nước Nga này là nơi Ukraine được chấp thuận sử dụng hệ thống ATACMS.

Ông George Barros, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến tranh, tin rằng điều này rất quan trọng đối với quyết định "cởi trói" tên lửa tầm xa của Mỹ.

"Sự xuất hiện của binh lính Triều Tiên và tiến trình chuyển giao sang chính quyền mới là hai yếu tố xúc tác quan trọng có thể đã thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Biden" – ông Barros nói.

Hải Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ong-trump-im-lang-bi-an-sau-khi-my-coi-troi-ten-lua-tam-xa-cho-ukraine-196241120124633164.htm