Canh bạc lớn

Sau gần 8 tháng đàm phán căng thẳng (236 ngày), rạng sáng 1/2 (theo giờ Hà Nội), liên minh Arizona gồm 5 đảng phái cuối cùng đã đạt được thỏa thuận để thành lập chính phủ mới của Bỉ do Chủ tịch đảng N-VA, ông Bart De Wever lãnh đạo.

Đây là một liên minh đặc biệt với sự kết hợp của ba đảng phái vùng nói tiếng Hà Lan là N-VA (đảng Dân tộc chủ nghĩa thuộc cánh hữu), CD&V (đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Flemish), Vooruit (đảng Xã hội chủ nghĩa Flemish theo đường lối cánh tả), và hai đảng vùng tiếng Pháp, Wallonia là MR (Phong trào Cải cách, tự do thiên hữu), Les Engagés (đảng Trung dung).

Ông Bart De Wever, Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa N-VA, sẽ trở thành Thủ tướng Chính phủ liên minh mới của Bỉ. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Bart De Wever, Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa N-VA, sẽ trở thành Thủ tướng Chính phủ liên minh mới của Bỉ. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Dù được xem là một bước ngoặt lớn trong chính trường Bỉ, bản thỏa thuận này không tránh khỏi những tranh cãi gay gắt. Những cải cách quan trọng như đánh thuế lãi vốn, giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và duy trì chỉ số hóa trợ cấp xã hội đã trở thành điểm nóng đối đầu giữa các đảng phái trong suốt quá trình thương lượng. Cuối cùng, mỗi bên đều có được một phần thắng lợi, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận những nhượng bộ đáng kể. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là một bước đi táo bạo giúp Bỉ tiến lên phía trước, hay chỉ là một sự đánh đổi mang tính thỏa hiệp nhằm giữ vững sự cân bằng quyền lực?

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận là việc áp thuế lãi vốn, hay còn gọi là “đóng góp đoàn kết”. Đây vốn là một đề xuất bị cánh hữu phản đối kịch liệt, đặc biệt là đảng MR, nhưng lại được phe xã hội chủ nghĩa (Vooruit) mà đại diện là Chủ tịch Conner Rousseau, coi là điều kiện tiên quyết để tham gia chính phủ. Theo thỏa thuận, khoản thuế này sẽ được áp dụng đối với các khoản lợi nhuận từ tài sản tài chính, bao gồm cả tiền điện tử, với mức thuế lũy tiến từ 1,25% đối với lợi nhuận từ 1 triệu đến 2,5 triệu euro, và lên đến 10% đối với lợi nhuận trên 10 triệu euro. Cánh hữu có thể tự hào khi giữ được mức thuế thấp hơn cho các khoản lợi nhuận nhỏ, trong khi phe xã hội chủ nghĩa có thể tuyên bố đã thành công trong việc đánh thuế những người giàu nhất.

Tuy nhiên, liệu chính sách này có thực sự giúp giảm bất bình đẳng, hay chỉ khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi Bỉ để tìm đến những thị trường hấp dẫn hơn? Thực tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 300 tỷ euro tiền tiết kiệm của người Bỉ được đầu tư ra nước ngoài, phần lớn vào Mỹ. Nếu không có các biện pháp khuyến khích đầu tư nội địa đi kèm, việc đánh thuế mạnh có thể làm chảy máu tài sản và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Ngoài thuế lãi vốn, một vấn đề gây tranh luận không kém là việc duy trì chỉ số hóa trợ cấp xã hội. Trước đó, một số đề xuất đã đưa ra phương án đóng băng việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội trong 3 năm để giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, dưới sức ép của các đảng Les Engagés và Vooruit, điều khoản này đã bị loại bỏ khỏi thỏa thuận cuối cùng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Bỉ vẫn sẽ được hưởng trợ cấp tương ứng với mức lạm phát – một chiến thắng đáng kể cho những ai ủng hộ chính sách an sinh xã hội. Một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: liệu ngân sách chính phủ có đủ sức để duy trì hệ thống này trong dài hạn, hay đây chỉ là một động thái mang tính chính trị để xoa dịu cử tri?

Một thay đổi mang tính bước ngoặt khác là giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa trong 2 năm. Trước đây, Bỉ là một trong số ít các quốc gia cho phép người thất nghiệp nhận trợ cấp vô thời hạn, khiến nhiều ý kiến cho rằng hệ thống đã tạo ra tâm lý phụ thuộc vào phúc lợi xã hội. Theo thỏa thuận mới, những người thất nghiệp trên 55 tuổi sẽ không bị ảnh hưởng, miễn là họ có tối thiểu 30 năm làm việc (sẽ tăng lên 35 năm vào năm 2030). Đây có thể xem là một sự thỏa hiệp giữa các đảng cánh hữu, vốn muốn siết chặt chính sách thất nghiệp, và các đảng trung dung, muốn bảo vệ những lao động lớn tuổi. Dù vậy, quyết định này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Bỉ có tỷ lệ thất nghiệp khá cao so với các nước châu Âu và không phải ai cũng có thể tìm được việc làm trong khoảng thời gian ngắn. Hạn chế trợ cấp có thể buộc nhiều người phải chấp nhận những công việc kém phù hợp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng lao động và năng suất kinh tế.

Liên đoàn Doanh nghiệp Bỉ (FEB) bày tỏ hài lòng với việc đạt được thỏa thuận liên minh và ca ngợi vai trò của nhà đàm phán Bart De Wever. Giám đốc điều hành FEB Pieter Timmermans đánh giá: "Đây chắc chắn là một thành công lớn của nhà đàm phán trong việc dung hòa các dòng chảy chính trị khác biệt và đồng thời đưa những cải cách kinh tế xã hội sâu rộng vào thỏa thuận". Liên đoàn ngành công nghiệp công nghệ (AGORIA) cũng đánh giá cao thỏa thuận, coi đó là "nền tảng cần tiếp tục xây dựng". Giám đốc điều hành Bart Steukers hoan nghênh việc cuối cùng đã đạt được đồng thuận nhưng nhấn mạnh: "Thỏa thuận chính phủ cho thấy nhà chức trách nhận thức được tình hình khó khăn mà ngành công nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt và chứa đựng một điểm khởi đầu tốt cho các cải cách khẩn cấp. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, lựa chọn hiện trạng đã chiếm ưu thế, trong khi tham vọng có thể cao hơn".

Trái ngược với sự ủng hộ từ giới doanh nghiệp, công đoàn Thiên chúa giáo CSC bày tỏ lo ngại về thỏa thuận này. Phát ngôn viên của CSC cho biết họ vẫn chờ đợi thêm thông tin chi tiết về các quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, theo đại diện CSC, những nội dung đã được tiết lộ cho đến nay không mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho người lao động, người về hưu hay những người đang tìm kiếm việc làm.

Việc giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và cải cách chính sách thuế được dự đoán sẽ gây tác động lớn đến hàng nghìn lao động có thu nhập thấp, trong khi các nhóm dễ bị tổn thương như người về hưu hay người tìm việc cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, Tổ chức hỗ trợ người tị nạn Vluchtelingenwerk Vlaanderen bày tỏ lo ngại về các biện pháp liên quan đến chính sách tị nạn và di cư trong thỏa thuận này với tuyên bố "Quyền con người không phải là một điểm để thương lượng".

Theo đó, chính phủ mới dự kiến sẽ giảm số lượng chỗ ở, hạn chế quyền xã hội của người di cư và áp dụng chính sách chia cắt gia đình. Điều này, theo nhận định của Tine Claus, Giám đốc Vluchtelingenwerk Vlaanderen, sẽ không mang lại giải pháp thực sự mà chỉ tạo thêm "hỗn loạn và đau khổ cho con người". Ông cho rằng chính sách này không khuyến khích hội nhập mà ngược lại, dẫn đến sự phân biệt và cô lập.

Thỏa thuận chính trị mới của chính phủ do ông Bart De Wever dẫn dắt rõ ràng đã đưa ra nhiều thay đổi đáng kể. Việc áp thuế lãi vốn đánh dấu một bước tiến trong việc tạo ra hệ thống thuế công bằng hơn, nhưng cũng đặt ra nguy cơ làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Duy trì trợ cấp xã hội là một thắng lợi cho những người ủng hộ an sinh, nhưng đi kèm với đó là áp lực ngân sách ngày càng lớn. Cắt giảm thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể thúc đẩy người lao động quay trở lại thị trường, nhưng cũng có nguy cơ đẩy nhiều người vào tình cảnh khó khăn.

Liệu những cải cách này có giúp Bỉ hướng tới một mô hình kinh tế bền vững hơn, hay chỉ là một sự đánh đổi mang tính chính trị để duy trì liên minh cầm quyền? Câu trả lời sẽ chỉ rõ ràng khi các chính sách này thực sự đi vào cuộc sống.

Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Bỉ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/canh-bac-lon-20250201151951727.htm