Quốc hội Pháp nhất trí với dự luật ngân sách cuối cùng trước thời điểm quyết định
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, một ủy ban chung của Quốc hội Pháp đã nhất trí với phiên bản cuối cùng của dự thảo ngân sách năm 2025 vốn đã quá hạn từ lâu.
Các nhà lập pháp Pháp đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch ngân sách nhà nước sau cuộc họp tại Paris vào ngày 31.1. Ủy ban hỗn hợp gồm 7 hạ nghị sĩ và 7 thượng nghị sĩ chủ yếu bao gồm những người ủng hộ Thủ tướng Pháp François Bayrou và không có các đại diện cánh tả và đảng Tập hợp dân tộc cực hữu.
Tuy nhiên, đại diện Đảng Xã hội tuyên bố họ đã đạt được một số "chiến thắng" trong các cuộc đàm phán, bao gồm lời hứa không cắt giảm 4.000 việc làm trong giáo dục công và các nguồn lực bổ sung cho các bệnh viện công.
"Ngân sách không phải của chúng tôi, vì vậy vai trò duy nhất chúng tôi có thể đóng góp, như chúng tôi đã làm trong nhiều tháng qua, là giúp người dân Pháp tránh khỏi một số đau khổ nhất định", Chủ tịch đảng Xã hội tại Quốc hội, Boris Vallaud, phát biểu với một nhóm phóng viên.
Nhưng liệu những "chiến thắng" này có đủ để đảng trung tả không bỏ phiếu chống lại chính phủ Bayrou vào tuần tới không vẫn là một câu hỏi.
Theo ông Boris Vallaud, dự thảo cuối cùng sẽ được đệ trình để bỏ phiếu tại Quốc hội vào 3.2 và đảng Xã hội vẫn chưa đưa ra quyết định. Cả đại diện của đảng cực tả LF) và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc đều bày tỏ sự bất bình với dự luật này.
Eric Coquerel, một nghị sĩ LFI, cho biết dự luật này "tệ hơn cả ngân sách của cựu Thủ tướng Barnier", ám chỉ người tiền nhiệm của Thủ tướng Bayrou, người đã bị lật đổ sau khi phe cánh tả và cực hữu hợp tác trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công vào tháng 12.2024.
Không rõ liệu đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc có ủng hộ việc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không nhất trí với dự thảo ngân sách này hay không. Vì chính phủ của Bayrou không chiếm đa số ở hạ viện nên thủ tướng có thể sẽ sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu.
Tuy nhiên, việc viện dẫn điều khoản này trong Hiến pháp sẽ tự động kích hoạt một thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng và đe dọa sự tồn tại của chính phủ thiểu số mới được bổ nhiệm. Tổng cộng phe đối lập cần có 288 phiếu bầu để lật đổ chính phủ.
Vào cuối năm 2024, Thủ tướng khi đó là Michel Barnier đã bị các nghị sĩ lật đổ sau khi ông sử dụng điều khoản trong Hiến pháp để thúc đẩy thông qua kế hoạch ngân sách an sinh xã hội mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.
Những diễn biến hiện nay cho thấy nước Pháp đang rơi vào bế tắc chính trị kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải tán Quốc hội sau khi đảng của ông phải chịu thất bại nặng nề trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử châu Âu hồi tháng 6.
Cuộc bầu cử đột xuất kết thúc với việc hạ viện bị chia rẽ và không có đa số rõ ràng.