Cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết, từ ngày 28/10 đến 03/11, Cục ghi nhận và đánh giá có 3 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dùng Việt Nam, gồm:
Cụ thể, xuất hiện một nhóm đối tượng mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội (MXH) của các chủ phương tiện. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về vụ việc này.
Theo Cục Đăng kiểm, tài khoản ngân hàng nhận được từ 10.000 đến 23.000 đồng được chuyển từ các tài khoản cá nhân, hầu hết không ghi rõ nội dung. Sau khi điều tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định, hiện nay đang xuất hiện nhóm đối tượng gọi điện cho chủ phương tiện thông báo kể từ 01/10/2024, Cục Đăng kiểm thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ phương tiện muốn được đổi tem mới thì thanh toán 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục. Đáng chú ý, bọn chúng còn hướng dẫn các chủ phương tiện truy cập vào một đường link giả mạo website Cục Đăng kiểm Việt Nam để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem. Khi chủ phương tiện truy cập, sẽ có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển thiết bị nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tương tự, mọi người nên cảnh giác khi mua bán trên mạng xã hội. Thủ đoạn của chúng là tạo lập các trang MXH giả mạo, đăng tải những hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá siêu rẻ. Đáng chú ý, các trang cá nhân của đối tượng thường không có thông tin cá nhân minh bạch. Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm với nội dung hấp dẫn người dùng.
Khi có nạn nhân tiếp cận và đồng ý mua, đối tượng yêu cầu đặt cọc và sau đó chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt tiền. Với thủ đoạn trên, T.V.L (SN 2023, trú Đắk Lắk) đã lừa chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng của hàng trăm người có nhu cầu mua ôtô, xe máy cũ. Đối tượng đã bị Công an huyện Đắk Rlấp (tỉnh Đắk Nông) tạm giữ về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra, L. sử dụng tài khoản MXH Facebook tham gia vào các hội nhóm nhằm lấy thông tin, hình ảnh của người đang có nhu cầu bán ôtô, xe máy đã qua sử dụng. Sau đó, đối tượng tải về đăng trên trang cá nhân mang tên "Nguyễn Hữu Lưu", rao bán với giá rất thấp. Khi khách đồng ý mua, L. yêu cầu đặt cọc rồi đưa ra nhiều lý do khác để họ gửi thêm tiền rồi chặn liên lạc. Từ tháng 01/2024 đến khi bị bắt, đối tượng chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng của hàng trăm người.
Ngoài ra, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các thủ đoạn giả mạo các BTC chương trình giải trí, giải chạy để đăng tải thông tin sai lệch nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Đơn cử, mới đây BTC giải chạy "Nha Trang Night Run Sanvinest - Báo Khánh Hòa 2024" đã bị một nhóm đối tượng giả mạo để đăng tải thông tin sai lệch nhằm lừa đảo các vận động viên. Thủ đoạn chung của chúng là tạo lập các Fanpage giả mạo giống y hệt giao diện của Fanpage chính thống khiến nhiều người tin tưởng. Khi nạn nhân "sập bẫy", kẻ lừa đảo yêu cầu thanh toán các khoản tiền như: phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác để chiếm đoạt.
Trước các chiêu trò lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên MXH hoặc qua hình thức trực tuyến; không nghe và làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ danh tính để tránh bị chiếm đoạt tài sản; không cung cấp thông tin cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến, hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu... Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.