Cảnh báo bọ chét 'sống ' trong tai các bé
Mới đây cháu N. S. N, 4 tuổi, ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được mẹ đưa đến khám tại một phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng tai bên phải bị đau nhức, chảy dịch.
Qua tìm hiểu bệnh sử, chị P. mẹ cháu N. cho biết: Cháu kêu đau tai, lúc đầu tôi chỉ nghĩ do nghịch ngợm nên va vào đâu đó, nhưng mấy ngày sau cháu càng kêu đau nhiều hơn, quấy khóc, tai có biểu hiện chảy dịch vàng nên tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ đã nội soi và phát hiện một dị vật nằm sâu trong ống tai của con tôi nên đã tiến hành gắp dị vật ra, dị vật là 1 con bọ chét.
Một trường hợp khác là cháu Đ. V. K. 2 tuổi, ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, cũng với các triệu chứng tương tự, khi bác sĩ phát hiện dị vật là con bọ chét trong tai cháu thì ống tai của K đã bị chít hẹp, màng nhĩ khó quan sát. Bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật là con ve chó ra khỏi tai cháu K.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành gắp một con bọ chét ra khỏi tai bé L.P.N.10 tuổi, ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
BS CKI Trần Xuân Sơn, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Thời gian gần đây, một số bệnh nhi đến khám với triệu chứng tai bị đau, chảy dịch, có mùi hôi. Kết quả nội soi cho thấy có vật ký sinh. Các bác sĩ đã tiến hành gắp ra được dị vật có chân, nghi là ve chó.
Ve chó hay còn gọi là bọ chét, là loài ký sinh trùng có thể gây bệnh và làm vật trung gian truyền nhiễm một số bệnh ở người. Không chỉ gây hại trên động vật, ve chó còn lan truyền virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khi cắn người.
Nếu ve chó chui vào tai, mũi mà không phát hiện kịp thời để gắp ra thì ngoài việc hút máu, nó có thể ký sinh trong tai, hoặc bị chết, lâu ngày khiến tai ngoài bị viêm, loét, chảy mủ, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
Để phòng tránh ve chó ký sinh trong tai của trẻ, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Nếu có tiếp xúc thì phải vệ sinh tay sạch sẽ, tắm rửa, gội đầu ngay.
Đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nhất là các gia đình có nuôi chó, mèo. Đối với vật nuôi, nên thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ nơi ở của chúng.
Để tránh hậu quả đáng tiếc, khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường, không sốt, không chảy mũi mà xuất hiện triệu chứng đau, ngứa, chảy dịch ở tai thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được xử lý kịp thời.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-bo-chet-song-trong-tai-cac-be-n176041.html