Cảnh báo các công ty dầu khí 'xa rời' cam kết cắt giảm khí thải
Báo cáo của Carbon Tracker nêu rõ khoảng 16 công ty chỉ tính đến lượng phát thải trong hoạt động mà không tính đến lượng phát thải gián tiếp liên quan đến vòng đời và việc sử dụng sản phẩm của họ.
Các cam kết cắt giảm khí phát thải của ngành dầu khí đang bị đình trệ, thậm chí một số trường hợp còn đi ngược lại với xu hướng "xanh" hiện nay.
Đây là cảnh báo được đưa ra trong bản phân tích do Carbon Tracker - tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với thị trường tài chính, thực hiện và công bố ngày 7/9.
Không chỉ đưa ra nhận định trên, bản phân tích của Carbon Tracker còn cho rằng kế hoạch và mục tiêu khí hậu của các doanh nghiệp dầu khí là không đáng tin cậy. Trong báo cáo, Carbon Tracker đã dựa trên sản lượng trong năm 2022 của 25 công ty dầu khí lớn nhất thế giới để đưa ra đánh giá và xếp hạng các cam kết giảm phát thải.
Theo đó, mục tiêu khí thải của 24/25 công ty này đều không phù hợp với mục tiêu hạn chế mức độ ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp được đưa ra trong Hiệp định Paris năm 2015.
Một số công ty dầu khí có cam kết "yếu nhất" gồm ExxonMobil (Mỹ), Saudi Aramco (Saudi Arabia), Petrobras (Brazil)...
Saudi Aramco bị xếp cuối bảng vì đây là công ty duy nhất giới hạn mục tiêu giảm phát thải đối với các tài sản mà họ sở hữu và vận hành hoàn toàn.
Báo cáo của Carbon Tracker nêu rõ khoảng 16 công ty chỉ tính đến lượng phát thải trong hoạt động mà không tính đến lượng phát thải gián tiếp liên quan đến vòng đời và việc sử dụng sản phẩm của họ.
Những công ty khác như Shell (Hà Lan-Anh) và Equinor (Na Uy) đặt ra mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, bao gồm toàn bộ lượng khí thải vòng đời, nhưng chưa đặt ra các mục tiêu tạm thời.
Đồng tác giả báo cáo Saidrasul Ashrafkhanov nhận định tốc độ giảm phát thải phải đủ nhanh để có thể đạt được mục tiêu 1,5 độ C, qua đó mới góp phần vào giảm lượng phát thải toàn cầu một cách nghiêm túc.
Trong khi đó, ông Mike Coffin, đồng tác giả báo cáo, cho rằng những "gã khổng lồ" trong ngành dầu khí đang khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro khi không lập kế hoạch cắt giảm sản lượng để đáp ứng được mục tiêu của Hiệp đinh Paris về biến đổi khí hậu.
Theo ông, các công ty dịch vụ tài chính nên giám sát các công ty mà họ tài trợ hoặc bảo lãnh có chuẩn bị đầy đủ cho sự thay đổi tất yếu trong hệ thống năng lượng toàn cầu hay không./.