Cảnh báo doanh nghiệp Đức giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc

Sự phụ thuộc quá mức vào thương mại với Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến 'mô hình kinh doanh của Đức gặp nguy hiểm', Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) nhận định.

Các công ty Đức đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và linh kiện thiết yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Aljazeera

Các công ty Đức đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và linh kiện thiết yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Aljazeera

Trong báo cáo hàng tháng phát hành hôm 18-9, Bundesbank cho biết, 29% các công ty Đức nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện thiết yếu từ Trung Quốc, khiến hoạt động của họ gặp thiệt hại “đáng kể” nếu tuyến thương mại này bị gián đoạn nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng.

“Rủi ro đối với phát triển kinh tế đến từ sự phụ thuộc mạnh mẽ một chiều vào các sản phẩm quan trọng từ nước ngoài. Điều này đã bộc lộ vài năm qua. Chúng ta vẫn cần phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các sản phẩm cốt yếu rất khó thay thế”, báo cáo của Bundesbank có đoạn.

Cảnh báo của Bundesbank được đưa ra khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) về trợ cấp xe điện của Bắc Kinh.

“Nếu bạn bị ràng buộc vào bên ngoái quá chặt, điều đó có thể gây nguy hiểm cho chính bạn”, Baerbock nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn hôm 18-9.

Nhận xét của bà tái khẳng định chiến lược mới với Trung Quốc mà Berlin thông qua vào tháng 7, trong đó, yêu cầu doanh nghiệp Đức giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh và cảnh báo chính phủ sẽ không chịu trách nhiệm nếu họ trở thành ‘nạn nhân’ của những rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng.

Thương mại chững lại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin, là một trong những lý do khiến nền kinh tế Đức trì trệ trong 9 tháng qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trong năm nay, với mức tăng trưởng dự kiến suy giảm 0,3%.

Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuầnqua với tờ Welt am Sonntag , Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, sự trì trệ của Đức là do “sự yếu kém của một số thị trường xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt là Trung Quốc”.

Thủ tướng Scholz cho biết chính phủ của ông đang nỗ lực giảm bớt gánh nặng chi phí cho các công ty bằng cách nhanh chóng phát triển năng lượng gió và mặt trời. Nhưng ông thừa nhận, thủ tục hành chính rườm rà đang làm chậm nỗ lực mở rộng năng lượng tái tạo.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với ô tô và máy móc của Đức. Nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 3% giá trị gia tăng của Đức, trong khi nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc lại lớn hơn nhiều.

Vì vậy, Bundesbank cho rằn, nếu bị cắt đứt thương mại với Trung Quốc, chuỗi cung ứng và sản xuất ở Đức sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo Bundesbank, Trung Quốc là điểm đến đầu tư trực tiếp lớn thứ ba của các công ty Đức, chỉ sau Mỹ và Luxembourg. Trung Quốc chiếm 6% tổng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Đức trong năm 2022. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong đầu tư trực tiếp của Đức một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như 29% trong sản xuất ô tô.

“Trước tình trạng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và những rủi ro liên quan, các công ty và nhà chính trị cần phải suy nghĩ lại về cấu trúc phát triển của chuỗi cung ứng và xu hướng mở rộng hơn nữa đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc”, Bundesbank khuyến nghị.

Báo cáo của Bundesbank cho thấ, các công ty Đức phụ thuộc vào hàng nhập khẩu quan trọng từ Trung Quốc đã tạo ra 25% tổng doanh số bán hàng trong lĩnh vực sản xuất của nước này hồi năm ngoái.

Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa trung gian của Đức, như pin và linh kiện điện, thiết bị xử lý dữ liệu và viễn thông cũng như hàng điện tử tiêu dùng. Trung Quốc cũng thống trị nguồn cung vật liệu cho pin xe điện trên toàn cầu, như lithium và cobalt.

Theo cuộc khảo sát gần đây của Bundesbank, khoảng 40% các công ty công nghiệp của Đức thuộc vào hàng nhập khẩu quan trọng từ Trung Quốc đã cắt giảm rủi ro. 16% khác đang xem xét hành động như vậy, nhưng có 40% công ty phụ thuộc vào Trung Quốc đã “không có hành động nào” .

Bundesbank kêu gọi chính phủ tìm kiếm thêm các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc, cải thiện sự hội nhập của dân nhập cư vào thị trường lao động đồng thời thúc đẩy thủ tục hành chính.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/canh-bao-doanh-nghiep-duc-giam-thieu-rui-ro-phu-thuoc-vao-trung-quoc/