Cảnh báo hành vi tự tử do trầm cảm

Thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu, Công an thành phố cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 31 vụ tự tử. Về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này, chủ yếu là các trường hợp buồn chuyện gia đình, tình cảm, mâu thuẫn trong cuộc sống, rối loạn tâm thần, trầm cảm, áp lực học hành, kinh doanh...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật và có thể chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Nam giới và nữ giới mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành lần lượt cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn. Ước tính khoảng 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn trầm cảm. WHO đánh giá đây là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một nữ sinh viên đại học năm thứ 2 ở TP Hồ Chí Minh trầm cảm với lý do bị bạn bè cô lập. Trong suy nghĩ của nữ sinh có ý định giết bạn và tự tử. Nhưng rất may bố mẹ phát hiện con gái có dấu hiệu bất ổn nên đã đưa con đến cơ sở tham vấn tâm lý. Sau 3 tháng được chuyên viên tham vấn cho bố mẹ cách hỗ trợ, quan sát các biểu hiện con gái để có giải pháp phù hợp, đồng thời tham vấn cho nữ sinh từng bước loại bỏ trầm cảm khỏi cuộc sống. Sau 3 tháng, nữ sinh đã giảm suy nghĩ tiêu cực được khoảng 80%, hiện đã ổn và hòa nhập cuộc sống.

Một nữ sinh khác cũng đang học đại học năm thứ 2 bị trầm cảm và có ý định tự tử. Nguyên nhân từ mâu thuẫn trong gia đình và các vấn đề khác. Nữ sinh thường cãi lại nên cha mẹ nói là con hỗn láo và cho rằng con gái bị ma nhập, gia đình làm lễ cúng nhưng con không khỏi. Nữ sinh một mực nói với cha mẹ là mình bị trầm cảm và cần được gặp chuyên viên tham vấn tâm lý. Cuối cùng gia đình đưa con gái đến gặp chuyên viên tham vấn tâm lý. Được biết, nữ sinh bị trầm cảm từ hồi học cấp 3, khi lên ĐH thì bùng nổ. Được chuyên viên tư vấn tận tình nên nữ sinh đã khỏi bệnh.

TS Phạm Thị Thúy, Chuyên gia tâm lý, Giảng viên chính Phân viện Học viện hành chính quốc gia tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Căn bệnh trầm cảm không loại trừ bất kỳ ai, những cú sốc trong cuộc sống và những khó khăn, áp lực luôn luôn có. Cho nên mỗi người cần rèn luyện nội lực, quan điểm của tôi là nội lực thổi bay áp lực. Với những người nội lực mạnh mẽ thì họ không phải là những bông tuyết, tức là không mong manh dễ vỡ, họ không tự tử mà họ sẽ là những ngọn núi vững vàng trước phong ba bão táp; họ suy nghĩ khó khăn là cơ hội để vượt lên, khó khăn là cơ hội để thành công”.

Hiện nay có rất nhiều nơi tham vấn trị liệu tâm lý cả có phí và miễn phí. Tại TP Hồ Chí Minh tại Nhà văn hóa phụ nữ có phòng tham vấn tâm lý tất cả các buổi sáng hoàn toàn miễn phí, các bệnh viện lớn đều có phòng tham vấn trị liệu tâm lý với mức phí thấp. Các vấn đề chia sẻ với chuyên viên tham vấn tâm lý đều được bảo mật.

Còn trong công sở thì các nhà quản lý, lãnh đạo,… cần quan tâm đến cảm xúc của nhân viên mình, đồng nghiệp cũng cần quan tâm đến nhau, vì ai cũng cần sự giúp đỡ. Nếu những người ở gần nhất như người thân hay động nghiệp mà không giúp đỡ thì vấn đề trầm cảm rất nghiêm trọng. Đây không phải là vấn đề cá nhân, nó gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho gia đình và xã hội, cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý (IPRTA) cho biết, áp lực học tập, không cùng chung tiếng nói trong tình yêu, bất đồng về giới, bất đồng quan điểm trong hôn nhân, khủng hoảng tài chính, kinh tế, bệnh hiểm nghèo, khủng hoảng lứa tuổi, bị con cái bỏ rơi ở tuổi già… Đều là những áp lực dẫn đến buồn, stress, lo âu, trầm cảm và tìm đến cái chết. Trong cuộc sống mọi lứa tuổi đều có những áp lực và khủng hoảng riêng. Ở học sinh, tuổi trưởng thành, doanh nhân, người lớn tuổi đều có nguy cơ trầm cảm.

Những trường hợp tiêu cực thường xảy ra đêm khuya, là lúc không gian yên tĩnh, lúc tiêu cực diễn ra nhanh và đột ngột đẩy họ quyết định quyết liệt là nhảy lầu, nhảy cầu, sử dụng thuốc mà ít sự can thiệp nhất. Đây cũng là cảnh báo sự quan tâm và hỗ trợ người thân.

“Phòng ngừa bằng cách là tìm niềm vui trong công việc, học những môn có thể giảm stress; sắp xếp lại các mối quan hệ chất lượng, sắp xếp lại công việc, suy nghĩ tích cực…; tìm chuyên gia tâm lý để tham vấn và định hướng đúng”, Viện trưởng Thùy Dung, chia sẻ.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-hanh-vi-tu-tu-do-tram-cam-i739664/