Cảnh báo khi các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gỡ bỏ hạn chế COVID-19

Khi Indonesia và Thái Lan bắt đầu gỡ bỏ dần các hạn chế COVID-19 sau khi số ca mắc giảm, các chuyên gia y tế cảnh báo các ca nhiễm mới có thể tăng trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp.

Một nhà hàng ở Bangkok, Thái Lan gắn biển toàn bộ nhân viên đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, trong ngày đầu tiên gỡ bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng ăn uống - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Thái Lan chuyển chiến lược sang “học cách sống chung với COVID-19”

Thái Lan bảo vệ quyết định tiêm hỗn hợp vắc xin

Indonesia tiêm vắc xin COVID-19 liều tăng cường từ đầu năm 2022

Sau khi kiểm soát đại dịch virus Corona tốt hơn nhiều nơi trên thế giới vào năm ngoái, Đông Nam Á đã trở thành tâm chấn toàn cầu trong những tháng gần đây với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Mặc dù số ca nhiễm vẫn đang tăng nhanh ở hầu hết khu vực, Indonesia và Thái Lan, hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, đã bắt đầu gỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà hàng ăn uống và trung tâm mua sắm để giảm bớt nỗi đau kinh tế của việc đóng cửa của họ.

Indonesia báo cáo 10.534 ca nhiễm mới vào thứ Ba (31/8), ít hơn năm lần so với mức cao nhất vào giữa tháng Bảy, trong khi Thái Lan báo cáo 14.802 trường hợp mới vào thứ Tư (1/9), giảm 37% so với mức cao nhất vào giữa tháng Tám.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc nới lỏng mang lại những nguy hiểm do mức độ tiêm chủng thấp và tình trạng thiếu xét nghiệm, với tỷ lệ xét nghiệm dương tính thường trên 5% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhiều người đeo khẩu trang bảo hộ xếp hàng để tiêm vắc xin COVID-19 trong một chương trình tiêm chủng hàng loạt tại một trung tâm mua sắm ở Jakarta, Indonesia, ngày 31 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: Reuters

Abhishek Rimal, Điều phối viên Y tế Khẩn cấp Châu Á Thái Bình Dương tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nói rằng: “Chúng tôi chắc chắn lo ngại về việc mở cửa trở lại mà không đáp ứng tất cả các tiêu chí do WHO đề xuất”.

"Bây giờ với biến thể Delta, có khả năng lây truyền cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp, chúng ta rất có thể thấy sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong những ngày tới", ông nhấn mạnh.

Indonesia gần đây có tỷ lệ kiểm tra dương tính là 12% và Thái Lan là 34%.

Tri Yunis Miko Wahyono, nhà dịch tễ học của Đại học Indonesia, cho biết: “Việc theo dõi không phải là quá lớn, nhưng chúng ta vẫn cần phải cẩn thận”.

Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 4 triệu trường hợp nhiễm virus Corona và hơn 133.000 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong khi đó, Thái Lan đã báo cáo 11.841 ca tử vong và 1,2 triệu trường hợp mắc bệnh.

Hai nước đều có tỷ lệ tiêm phòng lần đầu vào khoảng 30%, và số người tiêm đầy đủ hai mũi là 17% với Indonesia và 11% Thái Lan. Thủ đô Jakarta và Bangkok hiện có mức độ tiêm chủng trung bình cao hơn nhiều các khu vực khác trong nước của Indonesia và Thái Lan.

Các nhân viên tại một nhà hàng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/9/2021 - Ảnh: Reuters

Sau khi gỡ bỏ bớt các hạn chế COVID-19, ở Jakarta và một số khu vực trên đảo Java đông dân, các nhà hàng bên trong các trung tâm mua sắm có thể đạt 50% công suất phục vụ bữa ăn và các trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 9 giờ tối, trong khi các nhà máy được phép hoạt động 100% công suất.

Bangkok và 28 tỉnh khác được liệt kê là có dịch bùng phát nghiêm trọng nhất cũng có thể mở lại các nhà hàng ăn uống với công suất từ 50% -75%, với giờ mở cửa giới hạn lúc 8 giờ tối, giống như các trung tâm mua sắm.

"Tình hình đang trở nên tốt hơn vì nhiều người đang đi tiêm phòng và họ thận trọng hơn", Orrapin Peenanee, khách hàng đang xếp hàng ở Bangkok, cho biết.

Dale Fisher, một chuyên gia cao cấp về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết lợi ích kinh tế của việc nới lỏng hạn chế COVID-19 là điều dễ hiểu, nhưng ông nhấn mạnh rằng họ cũng phải tiêm phòng cho công dân của mình nhanh hơn.

Chấn Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/canh-bao-khi-cac-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-go-bo-han-che-covid-19-post153752.html