Cảnh báo lạm phát vẫn đẩy mạnh kích cầu
Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét trong quý I song chưa được như kỳ vọng, đặt ra yêu cầu cần phải tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên phải kiểm soát lạm phát năm 2021 dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Liệu điều này có nghịch lý, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, GDP quý I ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I-2020. Ông nhận định gì về mức tăng trưởng này so với kỳ vọng?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước hết phải nói rằng tốc độ tăng trưởng GDP quý I chưa đạt được kỳ vọng do chịu ảnh hưởng nhất định của đợt dịch lần 3, đặc biệt đối với khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng 3,68% của quý I-2020, mức tăng quý I năm nay khá hơn. Trong tốc độ tăng trưởng quý I cũng có một số điểm nổi bật cần nhìn lại. Đầu tiên là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,45%, khai khoáng âm 8,24%. Như vậy, có thể nói động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I chủ yếu dựa vào công nghiệp chế biến chế tạo.
Kế đến, Chính phủ đã thực hiện được “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng dựa trên 3 trụ cột chính đầu tư công, tăng xuất khẩu và khai thác thị trường nội địa. Riêng xuất khẩu là điểm sáng rất rõ, khi xuất khẩu hàng hóa tăng 22%, dù tính chung xuất khẩu chỉ tăng 17,01% do xuất khẩu dịch vụ giảm; đồng thời chúng ta vẫn xuất siêu 2,03 tỷ USD. Về sức mua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư xã hội tăng 6,3%. Những con số này cho thấy, quý I tuy gặp khó khăn do dịch lần thứ 3 song mục tiêu kép đạt được tương đối khá.
Tuy nhiên, ở đây cũng xuất hiện nhiều khó khăn mới, như xuất khẩu bị ảnh hưởng do thiếu container, giá vận tải tăng, chưa khai thác được thị trường du lịch nội địa như kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, theo khảo sát, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhìn chung tốt, nhưng trong 3 tháng đầu năm số thành lập mới chưa tới 30.000 DN, số tạm ngưng hoạt động (có thể chờ giải thể hoặc sắp xếp lại) hơn 40.000 DN, tức vẫn còn nhiều DN còn khó khăn. Do đó, vấn đề đặt ra là cần tính toán hỗ trợ tiếp gói giải pháp như thế nào để vực dậy DN. Đó là những điểm rút ra từ diễn biến của nền kinh tế trong quý I.
- CPI bình quân quý I tăng 0,29%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ. Quan điểm của ông ra sao?
- Vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay là giá cả nguyên liệu của thế giới nhiều lĩnh vực tăng rất mạnh, có loại tăng đến 30-40%. Trong khi đó, chúng ta là nền kinh tế nhập khẩu nguyên liệu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất. Như vậy, nguy cơ tác động nhập khẩu về lạm phát là có, nhưng trong quý I vẫn chưa biểu hiện rõ vấn đề này. Do đó, điều lo nhất là đừng để lạm phát do chi phí đẩy, thay vì lo lạm phát do cầu kéo.
Với diễn biến quý I, CPI bình quân so với cùng kỳ chỉ tăng 0,29%, lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,67%. Lạm phát cơ bản ở đây là điểm liên quan đến yếu tố tiền tệ. Tôi cho rằng chỉ số lạm phát cơ bản, tức liên quan đến yếu tố tiền tệ, nhưng ở mức 0,67% là điểm khá yên tâm. Bởi lạm phát cơ bản ở mức 2-2,5% chấp nhận được trong điều kiện hiện nay.
Vậy vấn đề gì cần tính toán sắp tới? Theo tôi, mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI dưới 4% trong năm 2021 có thể đạt được nếu chúng ta duy trì các chính sách về tài khóa tiền tệ và có biện pháp phòng ngừa nhập khẩu lạm phát từ yếu tố bên ngoài. Lạm phát phải cảnh báo nhưng không vì sợ lạm phát chúng ta rút lui những chính sách liên quan đến kích cầu nền kinh tế, đó là tín dụng và đầu tư công. Những chính sách này phải kiên trì thực hiện theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, không nên thay đổi vấn đề nào và tiếp tục có gói hỗ trợ mới liên quan đến tín dụng, tài khóa. Thí dụ, những chính sách hỗ trợ theo Nghị định 41 của Chính phủ áp dụng từ tháng 4-2020 cần được tiếp tục để thực hiện giãn và miễn giảm thuế; hay chính sách về tín dụng phải chọn đối tượng và làm mạnh hơn… để giúp vực dậy DN.
- Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, quý II cần đạt mức 7,19% (cao hơn 0,08% so với Nghị quyết 01); quý III tăng 6,78% (cao hơn 0,07%) và quý IV tăng 7,16% (cao hơn 0,49%). Ông đề xuất các giải pháp điều hành như thế nào để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng này, vừa giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay?
- Theo tôi, nếu kiên trì một số vấn đề vẫn có thể đạt được mục tiêu. Thứ nhất, không được chủ quan, phải tiếp tục gói hỗ trợ DN lần thứ 2, mở rộng đối tượng so với trước đây, đặc biệt giúp DN đang gặp khó khăn, chẳng hạn một số DN trong số 40.000 DN tạm ngưng hoạt động có thể phục hồi lại nên hỗ trợ. Thứ hai, tiếp tục xử lý những vướng mắc trong đầu tư công, làm tốt như quý IV năm ngoái. Thứ ba, thúc đẩy các giải pháp kích cầu thị trường nội địa. Đặc biệt nếu kiểm soát được dịch, giải pháp cần đẩy mạnh là kích cầu du lịch trong nước vào mùa hè để tăng sức mua nội địa lên.
Điểm nữa cần nhấn mạnh là vấn đề của năm 2021 không chỉ là tăng trưởng 6,5% hay 6%, mà là tạo điều kiện nền tảng để từ năm 2022 tăng trưởng bền vững hơn, ổn định hơn trong bối cảnh có thể khai thác được cơ hội đang triển khai như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương, đa phương. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế của quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo điểm đến cho lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư thế hệ mới. Những điều này phải chuẩn bị từ năm nay, cần xây dựng hệ thống thể chế chính sách củng cố, để có bước phát triển ổn định hơn từ năm tới và trong những năm tiếp theo.
- Năm nay, dư địa để mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế như thế nào, thưa ông?
- Về chính sách tài khóa, trong mức bội chi ngân sách, Quốc hội đã phê chuẩn. Vấn đề là làm sao triển khai các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là giải ngân cho đường cao tốc Bắc Nam và một số công trình trọng điểm, tạo kích thích tăng trưởng. Về tín dụng, với mức tăng của quý I, nếu năm nay đặt mục tiêu tăng tín dụng bằng 2 lần tăng GDP sẽ còn dư địa rất lớn, và như tôi đã nói không có nguy cơ lạm phát tiền tệ, chúng ta vẫn tiếp tục khai thác dư địa này. Nhưng nếu kinh tế ấm trở lại, chúng ta cũng chấp nhận không thể chờ mong nhiều việc giảm tiếp lãi suất, giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay là tốt.
- Xin cảm ơn ông.
Cảnh báo lạm phát nhưng không vì thế rút lui những chính sách liên quan đến kích cầu nền kinh tế là tín dụng và đầu tư công, phải kiên trì thực hiện theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/canh-bao-lam-phat-van-day-manh-kich-cau-89726.html