Cảnh báo Liên đoàn lao động xây NƠXH, EVN không nên làm nhiệm vụ Nhà nước

Theo ông Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng không giao EVN làm nhiệm vụ Nhà nước, để doanh nghiệp tự làm và tự cạnh tranh. Đây là những phát biểu đáng chú ý của các chuyên gia trong tuần qua.

'Đẩy mạnh cải cách thể chế quan trọng hơn việc mở rộng tài khóa và tiền tệ'

Đánh giá như thế nào về tốc độ phục hồi của nền kinh tế và thực trạng doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng nền kinh tế nói chung đã xuất hiện những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi, nhưng về cơ bản, sự phục hồi này vẫn ở mức mong manh và giới hạn.

Cụ thể, với doanh nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 113,3 nghìn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra của Tổng cục thống kê về doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất nhiều về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Song khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là tài chính, chi phí để trang trải và duy trì sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đang phải “gánh còng lưng” các quy định của luật pháp. Thực tế, luật pháp là cần thiết nhưng mặt trái của nó là tác động không mong muốn, không chỉ tạo ra thủ tục hành chính mà tạo cả gánh nặng tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn bởi một quy định pháp luật có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính, phí – lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức.

"Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế trở nên ngày càng quan trọng. Cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

'Đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn'

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và về thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối.

"Thực tế hiện nay, việc đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì chúng ta thiếu những quy định này, do đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30%-50% tổng giá trị của công trình… Nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn".

Về thời điểm đặt cọc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án 1: "Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng. Thời điểm cho phép thu tiền đặt cọc là khi dự án với thiết kết cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, với những ràng buộc pháp lý như vậy, vừa đảm bảo chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý, tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa đảm bảo các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định, dẫn đến việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm thanh toán trả lại tiền cọc cho người mua….

ĐBQH cảnh báo giao Tổng liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội không khéo sẽ mất cán bộ

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (xã hội), Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ( Đoàn Đồng Tháp) nói: không nên giao Tổng liên đoàn xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, vì đây là tổ chức chính trị xã hội, không có chức năng kinh doanh.

“Nếu giao Tổng liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội thì phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc, việc đầu tư này nên giao cho các đơn vị chức năng khác, như UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện”, ông Hòa nêu quan điểm.

Theo quan điểm của ông Hòa, dự án nhà ở xã hội công nhân có số lượng lớn, khu công nghiệp trong cả nước rất nhiều. Nếu Tổng liên đoàn lao động làm nhà ở xã hội, nguồn lực sẽ lấy từ nguồn thu phí công đoàn, tức có hạn.

“Tổng liên đoàn lao động lo cho công dân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Cần nghiên cứu lại, không khéo mất cán bộ”, ông Hòa cảnh báo.

'Chỉ số chứng khoán đã hồi phục trở lại và khởi động năm 2023 với diễn biến tích cực'

Chia sẻ tại Hội thảo "Tích lũy vị thế - Sẵn sàng bùng nổ”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian vừa qua đang trong nhịp điều chỉnh để “tái định giá” sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng đã giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 111.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm hoặc đi ngang.

Theo quan điểm của ông Sơn, sóng giảm lớn lần thứ 4 trong lịch sử kể từ tháng 4/2022 đã đi qua với mức thấp nhất vào ngày 16/11/2022, giảm 42,8% kể từ đỉnh.

“Từ mức đáy trên, chỉ số chứng khoán đã hồi phục trở lại và khởi động năm 2023 với diễn biến tích cực với nhiều nhóm ngành phục hồi rất mạnh mẽ vượt trên mức tăng của chỉ số chung như chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản”, ông Sơn nói.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index đã chính thức thoát khỏi trend giảm giá khi vượt lên trên đường trung bình động MA200 ngày và xuất hiện tín hiệu đường trung bình động MA50 ngày giao cắt và vượt lên trên đường MA200 ngày.

'Không giao EVN làm nhiệm vụ Nhà nước, để DN tự làm và tự cạnh tranh'

Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một lần đề xuất phương án mạnh mẽ như trên nhằm thúc đẩy thị trường hóa và cạnh tranh để phát triển ngành điện.

Tại Diễn đàn nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững mới đây, ông Thiên nhấn mạnh: "Không nên giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho họ tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi. Còn các doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đủ năng lực xử lý đưa giá điện sang giá thị trường, phải có áp lực cạnh tranh quốc tế nếu không thì tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài".

Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong những năm qua tăng rất nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng điện hiệu quả còn chậm chuyển biến. Việt Nam đã giảm được chỉ số tiêu thụ điện tính trên 1.000 USD nhưng so sánh với nhiều nước thì cường độ sử dụng, tiêu tốn điện năng đang ở mức rất cao.

Theo ông Trần Đình Thiên, để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là chuyển giá điện sang giá thị trường. Với hệ thống giá điện đang duy trì xét trên bình diện quốc gia thì cơ chế hiện nay không thể hiệu quả được, khó cân đối được cung - cầu. Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá để duy trì giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Hoàng Sơn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/canh-bao-lien-doan-lao-dong-xay-noxh-evn-khong-nen-lam-nhiem-vu-nha-nuoc-20180504224288414.htm