Cảnh báo lừa đảo khi đặt phòng qua mạng xã hội
Lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội trong việc tìm kiếm và đặt phòng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Dù thủ đoạn này không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều, song gần đây tại Đà Nẵng vẫn xảy ra nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội, với thủ đoạn giả mạo thông tin khách sạn và cho thuê phòng trọ để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc.
Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, vào ngày 13-12-2024, chị N.T.T (quê Quảng Ngãi, tạm trú tại Đà Nẵng), đã tìm kiếm thông tin về khách sạn M.B Hotel (địa chỉ tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) qua Facebook để đặt phòng cho lãnh đạo. Sau khi liên hệ với một tài khoản tự nhận là nhân viên khách sạn, chị T đã chuyển khoản 4.200.000 đồng để đặt phòng. Người này tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm cùng số tiền do lỗi hệ thống và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền sau đó. Cả tin, chị T thực hiện lần chuyển khoản thứ hai với số tiền 4.200.000 đồng. Chưa dừng lại, một tài khoản khác mạo danh kế toán khách sạn liên hệ yêu cầu chị chuyển thêm 4.963.258 đồng để hoàn tất thủ tục hoàn tiền. Tổng cộng, chị T đã chuyển 13.363.258 đồng trước khi phát hiện bị lừa. Khi đến khách sạn để xác minh, chị phát hiện tài khoản giao dịch là giả mạo và lập tức trình báo sự việc lên cơ quan Công an.
Trước đó, ngày 26-10-2024, chị Đ.T.M.H (2002, trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò tương tự khi tìm kiếm phòng trọ qua trang Facebook “PHÒNG TRỌ ĐÀ NẴNG GIÁ RẺ.” Chị H đã liên hệ với tài khoản “Nguyễn Ngọc Vy” trao đổi và chuyển 800.000 đồng tiền cọc vào tài khoản do người cho thuê chỉ định. Không lâu sau, người này viện lý do cha không đồng ý với số tiền cọc ban đầu và yêu cầu chị H. chuyển thêm 1.600.000 đồng để xác nhận. Tin vào lời cam kết cùng ảnh chụp màn hình nhắn tin giữa “Nguyễn Ngọc Vy” và một tài khoản khác có tên “Tri Nguyên”, chị tiếp tục chuyển tiền. Ngày hôm sau, khi đến địa chỉ phòng trọ được cung cấp tại 60 Lê Sát, Đà Nẵng, chị H phát hiện không tồn tại số nhà này. Nỗ lực liên lạc lại với tài khoản Facebook cho thuê không thành, chị H đã trình báo sự việc lên cơ quan công an.
Hai vụ việc trên cho thấy thủ đoạn lừa đảo đặt phòng qua mạng xã hội ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường mạo danh nhân viên khách sạn, người cho thuê nhà hoặc tài khoản uy tín để tạo lòng tin với nạn nhân. Chúng thúc giục nạn nhân chuyển tiền nhanh chóng, thường viện lý do lỗi hệ thống, điều kiện đặc biệt hoặc yêu cầu từ người thứ ba. Sau khi nhận tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc, khiến nạn nhân mất khả năng truy vết.
Dựa trên những vụ việc này, người dân cần lưu ý: Xác minh thông tin kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch trực tuyến, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản và tính xác thực của thông tin được cung cấp; Không chuyển tiền khi chưa rõ ràng, tránh chuyển tiền đặt cọc, thanh toán trước khi xác minh địa chỉ, dịch vụ, hoặc gặp trực tiếp người giao dịch; Cẩn trọng với tài khoản cá nhân vì các giao dịch chính thức nên thực hiện qua tài khoản ngân hàng hoặc thông tin được công khai từ các tổ chức uy tín, thay vì thông qua tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc; Nếu có thể, hãy đến trực tiếp địa điểm hoặc liên hệ qua số điện thoại chính thức của đơn vị để kiểm tra thông tin.
Trong trường hợp nghi ngờ, hãy ngừng giao dịch và báo ngay cho cơ quan chức năng. Việc giữ lại bằng chứng như tin nhắn, hóa đơn chuyển khoản không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo tiếp tục hành vi phạm pháp.
Lừa đảo qua mạng xã hội không phải là hình thức mới nhưng ngày càng phổ biến và nguy hiểm. Sự cảnh giác của mỗi người sẽ là biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại. Hãy cùng nâng cao ý thức, chia sẻ thông tin cảnh báo để xây dựng một môi trường giao dịch trực tuyến an toàn và đáng tin cậy.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-bao-lua-dao-khi-dat-phong-qua-mang-xa-hoi-post306286.html