Cảnh báo mất an toàn giao thông từ cây xanh ven quốc lộ, tỉnh lộ

Vì chưa có sự thống nhất trong quản lý hành lang đường bộ và hệ thống cây xanh mọc ven các tuyến đường nên việc cắt tỉa, phát quang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng cây cối mọc lấn mặt đường, che khuất tầm nhìn, cá biệt có cây gãy, đổ gây tai nạn giao thông đang là thực trạng tồn tại ở một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh.

Đầu năm vừa qua, trong khi đưa con đi học, dù điều khiển xe máy với tốc độ chậm nhưng chị Nguyễn Thị P. (xã Cốc San, thành phố Lào Cai) vẫn là nạn nhân của sự cố khi tham gia giao thông. Nguyên nhân không phải do va chạm với phương tiện khác hoặc do đường trơn trượt mà vì một cành cây ven Quốc lộ 4D (Lào Cai - Sa Pa) gãy và rơi trúng. Rất may là hai mẹ con chị chỉ bị xây xát nhẹ.

Trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 4/4/2021, anh Triệu Ồng S. (sinh năm 2001, trú tại xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn) điều khiển xe máy trên Tỉnh lộ 151 (từ xã Sơn Thủy đi xã Võ Lao), khi đến địa phận thôn Là 2, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) thì bị cây ven đường đổ vào người gây tử vong.

Là người bán hàng lâu năm ven Quốc lộ 4D, đoạn qua thôn An San, xã Cốc San, chị Phàn Thị Hương cho biết: Chị đã chứng kiến một số vụ cây ven đường gãy cành rơi vào phương tiện đang lưu thông trên đường. Có thời điểm dông lốc, mưa lũ đã làm cây xanh ven đường bị gãy, đổ gây mất an toàn và ách tắc giao thông.

Một số hộ trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, tre, nứa ven đường nhưng không chặt nhánh hoặc trồng cả vào hành lang đường bộ gây che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thậm chí, trên đoạn đường qua thôn An San, đơn vị quản lý đường trồng cây xanh nhưng không thường xuyên chặt tỉa để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông

Chị Phàn Thị Hương, thôn An San, xã Cốc San

Theo ghi nhận của phóng viên, Quốc lộ 4D đoạn từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa dài gần 30 km đang diễn ra tình trạng cây xanh 2 bên đường xòe tán, mọc nghiêng ra lòng đường tại nhiều điểm, đặc biệt vào mùa mưa thì càng phát triển um tùm hơn. Điều này dẫn đến khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó là cành, nhánh cây không được dọn dẹp tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ gây tai nạn.

Theo ông Hàn Mạnh Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai (đơn vị được giao bảo trì đường bộ), để chặt tỉa cây xanh ven Quốc lộ 4D phải xin ý kiến của Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp của Phòng Quản lý đô thị thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa trong việc đánh giá thực trạng, kiểm đếm cây… nên thủ tục mất nhiều thời gian.

Trước mùa mưa bão, chúng tôi đã rà soát, xây dựng phương án cắt tỉa những cây xanh đang gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông dọc tuyến, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thống nhất với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ

Ông Hàn Mạnh Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai (đơn vị được giao bảo trì đường bộ)

Theo ghi nhận của phóng viên tại tuyến Quốc lộ 70, Quốc lộ 279, Quốc lộ 4E, Quốc lộ 4, Tỉnh lộ 153 (Bắc Ngầm - Bắc Hà), Tỉnh lộ 151 (Bảo Thắng - Văn Bàn) và Tỉnh lộ 155 (Sa Pa - Bát Xát) cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Được biết, Ban Quản lý bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng) đang quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên 1.207 km đường bộ trên địa bàn tỉnh, gồm 322 km quốc lộ (Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279, Quốc lộ 4) và 885 km đường tỉnh (16 tuyến).

Việc rà soát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để đảm bảo an toàn giao thông trước mùa mưa bão đều được thực hiện theo đúng kế hoạch chỉ đạo của ngành giao thông vận tải và của tỉnh. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì thực hiện việc cắt dọn bước 1 đối với các cây nhỏ ven đường và cây của các hộ trồng trên hành lang đường bộ. Đối với cây có kích thước lớn trồng trên đất lâm nghiệp thì chưa thực hiện được, do cần có sự thống nhất với ngành kiểm lâm và chính quyền các địa phương…

Ông Đoàn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do cây xanh gãy, đổ vào người và phương tiện, nhưng hầu như địa phương nào cũng ghi nhận vụ việc xảy ra. Mùa mưa bão đã cận kề, người dân lại thường trực nỗi lo về tình trạng cây xanh gãy, đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc phát quang cây cối trả lại hành lang an toàn giao thông các tuyến đường là việc làm thường xuyên với những giải pháp đồng bộ.

Theo qui định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính Phủ

1. Phạm vi đất dành cho đường bộ

(a) Đất của đường bộ:

Đất của đường bộ bao gồm: phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ. Về phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ. Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên: 03 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II; 02 mét đối với đường cấp III; 01 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống.

b) Đất hành lang an toàn đường bộ:

Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

+ Đường ngoài đô thị: căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là: 47 mét với đường cao tốc; 17 mét đối với đường cấp I, cấp II; 13 mét đối với đường cấp III; 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V; 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

Phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép (gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí). Ngoài ra, đất hành lang an toàn đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

2. Trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

Theo quy định của pháp luật dân sự, người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định. Nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá. Trường hợp cây cối gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại (theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Do đó, hành vi trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển giao thông dẫn đến có những thiệt hại thì người trồng cây sẽ phải bồi thường cho những thiệt hại xảy ra.

3. Mức phạt trồng cây lấn chiếm hành lang giao thông

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với: hành vi trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện. Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm này buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/canh-bao-mat-an-toan-giao-thong-tu-cay-xanh-ven-quoc-lo-tinh-lo-post369455.html