Cảnh báo môi trường ô nhiễm từ các trại chăn nuôi gia cầm tại Tiền Giang

Hiện nay, đàn gia cầm ở tỉnh Tiền Giang có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Mô hình chăn nuôi này đã tạo ra sinh kế, giúp nhiều nông dân ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Song nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do các trang trại lại là vấn đề đáng quan tâm.

Hiện nay, khi lưu thông dọc theo tuyến đường giao thông tiếp giáp giữa ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc và ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) mọi người sẽ nhận biết ngay mùi “đặc trưng” bốc ra từ những trại gà hay những các khu vực tạp kết phân gà ven đường. Người dân địa phương cho biết, nuôi gà ác là mô hình truyền thống của đại bộ phận hộ dân vùng nông thôn này nên vấn đề phát sinh từ trại gia cầm là khó tránh khỏi. Ông Trần Văn Ninh, người dân ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo rất bức xúc khi kế bên nhà có trại gà to đùng, thải ra mùi hôi, lông gà bay tứ tung. “Trại gà hậu bị nuôi sát nhà mình hôi lắm. Lông gà bay lên nóc nhà mình luôn, do chỉ cách bờ rào bên đây lông gà đầy, mình phải đóng cửa, có máy lạnh mà muốn gỡ dẹp vì sợ máy lạnh hút lông gà vào nhà’- ông Ninh bức xúc.

 Tiền Giang phát mạnh đàn gia cầm nhưng cần quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường

Tiền Giang phát mạnh đàn gia cầm nhưng cần quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường

Trại gà ác lấy trứng tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo đang lo ngại mùi hôi phát tán ra xung quanh

Trại gà ác lấy trứng tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo đang lo ngại mùi hôi phát tán ra xung quanh

Ngoài mùi hôi thì lượng ruồi có trong môi trường tự nhiên khu vực này cũng rất lo ngại đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nhiều quán ăn, cơ sở giải khát ven đường đều có ruồi đeo bám vào bàn ghế và đậu vào thức ăn và cả người khách hàng. Ông N., chủ một quán ăn, giải khát ven mặt đường lộ Rạch Nhỏ (ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) nói: “Dân ở đây ai cũng nuôi nên phải chịu hôi thôi. Khách vào ăn uống thấy có ruồi người ta cũng nói vậy thôi, chứ có gì đâu mà che. Nếu mình có thuốc xử lý mặt nền thì ruồi bay đi. Ai ở xa lại thì nhận biết mùi ngay chứ dân ở đây thấy bình thường, lâu lâu mới nghe mùi phất lên”.

Còn ông Nguyễn Văn Tèo – người dân ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc đang ngồi ăn tại quán ăn ven đường vừa ăn vừa đuổi ruồi đeo bám. Ông Tèo chia sẻ: “Nói chung mình quen rồi, ai cũng chịu vậy hết. Khách khứa đến nhà hay mình đi đám tiệc thấy có ruồi cũng phải chịu. Nếu người ở xa lại thấy ngại chưa dân ở đây ăn uống bình thường, cái quán nào cũng vậy thôi. Nói chung nuôi gà thế này thì mùi hôi tanh bốc lên, nhất là ruồi bay qua nhà người khác, tình trạng này lâu quen rồi”.

Một số hộ nuôi còn kém ý thức vứt bỏ gia cầm chết, phế phẩm gai cầm xuống kênh mương

Một số hộ nuôi còn kém ý thức vứt bỏ gia cầm chết, phế phẩm gai cầm xuống kênh mương

Nhiều khu vực tập kết phân gà ven đường giao thông bốc ra mùi khó chịu

Nhiều khu vực tập kết phân gà ven đường giao thông bốc ra mùi khó chịu

Tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm hơn 17 triệu con; trong đó tại huyện Chợ Gạo có hơn 05 triệu con với các loại như: gà ác, chim cút, gà tre, gà tam hoàng và một số loại giống gà nuôi theo kiểu công nghiệp khác... Ngoài một số trang trại có quy mô lớn được đầu tư bài bản đúng quy trình kỹ thuật thì phần lớn các hộ chăn nuôi theo kiểu tự phát tại hộ gia đình, chưa đảm bảo an toàn sinh học, nhất là gây ra mùi hôi thối lan tỏa ra khu dân cư. Đáng quan tâm là tại các xã Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Lương Hòa Lạc đàn gà ác nuôi tự phát, không ít người chăn nuôi chưa áp dụng các biện pháp xử lý mùi từ phân gà đúng quy định; tập kết phân gà ven đường, lén lút bỏ xác gà chết, phế phẩm gia cầm xuống kênh mương, làm phát sinh ruồi nhặng ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân ở vùng nông thôn và còn nguy cơ làm lây lan các loại dịch bệnh thường gặp ở đàn gia cầm.

Khách vào quán ăn tại ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết phải chịu cảnh ruồi nhặng đeo bám

Khách vào quán ăn tại ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết phải chịu cảnh ruồi nhặng đeo bám

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, chủ cơ sở chăn nuôi gà và kinh doanh trứng gà sạch Quốc Mai tại xã Lương Hòa Lạc, chăn nuôi gia cầm phải chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, an toàn sinh học thì đàn gia cầm mới hạn chế dịch bệnh và sản phẩm gia cầm mới đạt chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Ông Bảo Quốc chia sẻ: “Thứ nhất người nuôi gia cầm vệ sinh, sát trùng chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt khâu phân gà để không bị ruồi thì nên 7 ngày trở lại mình dọn phân 1 lần, thứ 2 sử dụng chế phẩm sinh học phun để phân phân hủy, hạn chế vi sinh vật có hại. Sau đó, mình tiêu độc sát trùng, vệ sinh thường xuyên chuồng trại sạch sẽ thì hạn chế mùi hôi và ruồi nhặng. Khi mình vệ sinh sạch sẽ thì hạn chế mầm bệnh và năng suất gà sẽ đạt”.

Mô hình chăn nuôi gà khép kín, đảm bảo an toàn sinh học tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cần nhân rộng

Mô hình chăn nuôi gà khép kín, đảm bảo an toàn sinh học tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cần nhân rộng

Có thể nói nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nhiều trại chăn nuôi gia cầm ở tỉnh Tiền Giang là điều cảnh báo và cần sớm được khắc phục. Chính quyền và các ngành chuyên môn địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động chăn nuôi gia cầm, có biện pháp hướng dẫn, xử lý kiên quyết các chủ trang trại chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường để góp phần ổn định và phát triển đàn vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

Chu Trinh-VOV/ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/canh-bao-moi-truong-o-nhiem-tu-cac-trai-chan-nuoi-gia-cam-tai-tien-giang-post1199658.vov