Cảnh báo ngộ độc từ những loại quả lạ
Tại Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương vừa tiếp nhận 8 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng trâu. Sự việc này không phải lần đầu tiên diễn ra mà trước đó, tại một số địa phương đã ghi nhận trẻ ngộ độc do ăn quả cây ngô đồng, ăn quả thầu dầu… Các chuyên gia cảnh báo, trong thiên nhiên có một số quả trông rất ngon mắt, dễ 'dụ' trẻ em hái ăn, nhưng ẩn dưới lớp vỏ đẹp có thể là chất gây độc.
Bệnh nhi bị ngộ độc quả hồng trâu được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Ăn quả lạ, nhiều trẻ phải nhập viện
Vào 4h ngày 4-10, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận 8 trẻ (từ 9 đến 13 tuổi ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị ngộ độc do ăn quả hồng trâu. Theo lời kể của các gia đình, trưa 2-10, trên đường từ trường về nhà, một nhóm khoảng 16 học sinh thấy quả dại trên đồi chín nên hái ăn. Khoảng 3 giờ sau ăn, nhiều trẻ xuất hiện tình trạng nôn, lơ mơ, mệt mỏi, choáng váng kèm đau bụng dữ dội. Sau khi theo dõi, thấy tình trạng của trẻ ngày càng nặng, 9 gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) để cấp cứu và được chẩn đoán trẻ bị ngộ độc quả hồng trâu.
Tại bệnh viện huyện, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí bằng gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng cho 9 trẻ. Tuy nhiên, 1 trẻ đã tử vong do diễn biến bệnh nhanh, nặng và cấp tính. Đêm 3-10, 8 trẻ còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, sau khi được điều trị tích cực, hiện tình trạng của 8 trẻ tạm thời ổn định. Tuy nhiên, các bệnh nhi cần tiếp tục được theo dõi để phát hiện kịp thời các biến chứng khác.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, quả hồng trâu có thành phần chính là Alkaloid, Axit Amin, Axit Cacboxylic, Flavonoid, Polyphenol… trong đó, độc tố chính là Alkaloid, chứa trong nhân hạt. Độc tính này tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp, dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận… Quả hồng trâu chín vào thời gian khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm.
Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận 5 trẻ (từ 3 đến 11 tuổi ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang do ngộ độc hạt thầu dầu. Gia đình các bệnh nhi cho biết, các trẻ này đã tự hái một chùm quả lạ để chia nhau ăn. Sau ăn vài giờ, tất cả bị đau bụng, buồn nôn, nôn, được đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu. Khi tìm lại loại quả mà các con rủ nhau ăn mới biết, đó là quả thầu dầu. Theo các bác sĩ, toàn cây thầu dầu đều có chất độc, nhưng bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Hạt thầu dầu có độc tố cao do có chứa chất ricin.
Ricin gây ức chế tổng hợp protein của ruột, tổn thương niêm mạc ruột và có đặc điểm hấp thu kém, nên thời gian phát huy đầy đủ tác dụng độc phải kéo dài đến 5 ngày. Chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3-4 hạt có thể tử vong. Sau ăn hạt thầu dầu, người ăn thường có các triệu chứng như: Đau bụng, nôn nhiều, trường hợp nặng có nôn ra máu; tiêu chảy nhiều lần; có các dấu hiệu mất nước; rối loạn tri giác, liệt dây thần kinh sọ não; gan to, vàng da, suy gan; tiểu ít, suy thận; tụt huyết áp... nặng nhất là tử vong.
Tương tự, 37 học sinh ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) bị đau bụng, buồn nôn do trong giờ ra chơi vô tình ăn quả hạt cây ngô đồng rơi xuống. Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cây ngô đồng còn được gọi mã đầu, vông đồng hoặc ba đậu tây, tên khoa học là Hura crepitans L., thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Hạt cây ngô đồng có dầu, ăn bùi nhưng làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Ngộ độc nặng sẽ chảy máu đường tiêu hóa, trụy tim mạch, suy thận…
Tuyệt đối không ăn thử quả lạ
Để phòng ngừa ngộ độc khi ăn quả lạ, theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), hiện đang là mùa quả hồng trâu chín. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của quả hồng trâu cũng như các loại quả dại khác, tuyệt đối không ăn thử, dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
“Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả hồng trâu nói riêng hay những loại quả lạ khác nói chung. Gia đình khi phát hiện có người ăn phải quả hồng trâu hay các loại quả lạ khác cần cho người bệnh uống nhiều nước và gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Riêng trong trường hợp bị ngộ độc quả hồng trâu cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ). Hầu hết các độc tố trong quả lạ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu”, bác sĩ Lê Ngọc Duy lưu ý.
Còn theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng, cây hồng trâu. Người dân tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn, uống. Đặc biệt, các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn các trẻ lớn nhận biết quả gây độc, không tự hái, ăn những quả lạ ngoài thiên nhiên. Cây chứa chất độc nên cần cẩn trọng khi trồng trong nhà, nếu có trẻ em.