Cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh liên cầu khuẩn heo lây sang người

Ngày 18-7, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Hưng Yên yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu khuẩn heo lây sang người, sau khi ghi nhận chùm ca nghi nhiễm có liên quan đến ăn tiết canh heo tại địa phương này.

Theo đó, trong khoảng 2 tuần đầu tháng 7, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 ca nghi nhiễm liên cầu khuẩn heo, đều có tiền sử ăn tiết canh tại xã Quỳnh Anh, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, hai trường hợp ăn cùng đã tử vong với biểu hiện ban đầu là sốt, đi ngoài phân lỏng.

 Một trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn heo đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Một trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn heo đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương tổ chức điều tra, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn chuyên môn; đồng thời mở rộng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm tại các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý những bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với thịt heo hoặc ăn các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời là yêu cầu cấp thiết để hạn chế tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong giám sát dịch bệnh trên đàn heo, nhất là các bệnh dễ làm bùng phát liên cầu khuẩn heo như dịch tai xanh. Người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán heo cần tuân thủ nghiêm biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang.

 Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn heo đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn heo đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không ăn tiết canh, thịt hoặc phủ tạng heo chưa nấu chín kỹ. Trường hợp có vết thương hở, người dân không nên tham gia giết mổ hoặc chế biến thịt heo tươi sống. Nếu buộc phải làm việc, cần băng kín vết thương và sát khuẩn sau khi tiếp xúc.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như: sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ heo mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ heo không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cảnh báo: “Liên cầu khuẩn heo (Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm lây từ heo sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Đặc biệt, vi khuẩn này không có vaccine phòng ngừa”.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/canh-bao-nguy-co-gia-tang-benh-lien-cau-khuan-heo-lay-sang-nguoi-post804285.html