Cảnh báo nguy cơ mất an toàn PCCC ở các khu nhà trọ

Nhiều nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini ở trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Vụ cháy nhà trọ tại Hà Nội lúc 0 giờ 46 phút ngày 24-5 khiến 14 người chết và nhiều người bị thương đã lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc đảm bảo an toàn PCCC tại các khu nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Không nội quy PCCC, bình chữa cháy hết hạn

Thực tế không chỉ riêng tại TP Hà Nội mà ngay cả TP.HCM và các tỉnh, thành khác đều tồn tại nhiều mô hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini, căn hộ dịch vụ... chưa đảm bảo an toàn PCCC.

Theo ghi nhận của PV, khu vực Mả Lạng (quận 1, TP.HCM) tập trung nhiều người lao động sinh sống trong những căn nhà, phòng trọ có diện tích “siêu” nhỏ, có những căn nhà vỏn vẹn chỉ có chiều ngang 2 m, chiều dài 5-7 m. Tại đây, PV không thấy bất kỳ bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC hoặc bình chữa cháy nào, nếu có bình chữa cháy cũng đã hết hạn sử dụng.

 Những hẻm ở khu vực Mả Lạng có nhà san sát nhau và không thấy bất kỳ bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC, bình chữa cháy mini thì hết hạn sử dụng. Ảnh: TRẦN MINH

Những hẻm ở khu vực Mả Lạng có nhà san sát nhau và không thấy bất kỳ bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC, bình chữa cháy mini thì hết hạn sử dụng. Ảnh: TRẦN MINH

Chia sẻ với PV, bà BTL bày tỏ lo lắng về an toàn PCCC tại đây, bà L cho biết nếu không may xảy ra hỏa hoạn cũng không biết có thoát thân kịp hay không bởi nhà thì san sát, đám cháy rất dễ lây lan trong khi đường hẻm thì lại nhỏ xíu.

“Đa số người dân ở đây đang mong chờ giải tỏa để di chuyển đến nơi khác sinh sống, vì vậy một số người cũng không quan tâm đến an toàn PCCC tại khu vực này” - bà L nói.

Anh HAC cho biết anh sống ở khu Mả Lạng đã nhiều năm. “Cả khu vực hẻm này chỉ có một bình chữa cháy mini nhưng bình này đã hết hạn từ lâu, không biết chính quyền có thay mới hay không. Hồi trước nghe nói có mấy bình chữa cháy đặt ở đầu hẻm mà cũng có thấy đâu. Cháy nổ ai mà chẳng sợ nhưng với tình hình này thì cũng không biết làm sao. Rất mong chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm, có hướng dẫn, trang bị dụng cụ PCCC ở khu này” - anh C nói.

 Theo người dân chia sẻ bình chữa cháy này không biết còn xài được không bởi đã hết hạn sử dụng và tay xịt cũng đã rỉ sét. Ảnh: TRẦN MINH

Theo người dân chia sẻ bình chữa cháy này không biết còn xài được không bởi đã hết hạn sử dụng và tay xịt cũng đã rỉ sét. Ảnh: TRẦN MINH

Tương tự, chị HY (ngụ quận Tân Bình), sinh viên năm cuối một trường cao đẳng tại TP.HCM, cho biết chị thuê phòng trọ chỉ khoảng 15 m2 nằm trong một tòa nhà 5 tầng, trước đây công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng không được thực hiện. Tuy nhiên, kể từ sau vụ cháy chung cư mini vào tháng 9-2023 ở TP Hà Nội khiến 56 người chết, công an bắt đầu kiểm tra chặt chẽ, chủ trọ mới trang bị những vật dụng PCCC cần thiết.

“Lúc đấy chủ trọ trang bị nội quy, đèn chiếu sáng, bình chữa cháy... để công an kiểm tra. Nhưng đến khi công an rời đi, mấy bình chữa cháy cũng biến mất, tôi cho rằng chủ trọ rất chủ quan trong vấn đề PCCC” - chị HY nói.

Chủ trọ, người thuê trọ còn chủ quan, bất cẩn

Liên quan đến vụ cháy tại TP Hà Nội cũng như những vụ cháy xảy ra trong thời gian qua và tình hình thực tế, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM cho biết các loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... tương đối nhiều nguy cơ cháy nổ. Nguyên nhân do đa phần người lao động, công nhân, học sinh, sinh viên thuê trọ sinh sống và học tập, họ ở trong một không gian chật hẹp, ăn ngủ, sinh hoạt, nấu nướng đều ở đó, họ chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy. Đồng thời, việc câu mắc điện không đảm bảo an toàn PCCC cũng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy tại nhà trọ, phòng trọ...

 Do diện tích “siêu” nhỏ không tránh được việc người dân nơi đây cơi nới những khung sắt trên lầu để có thêm diện tích. Ảnh: TRẦN MINH

Do diện tích “siêu” nhỏ không tránh được việc người dân nơi đây cơi nới những khung sắt trên lầu để có thêm diện tích. Ảnh: TRẦN MINH

Cần có quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt tại tầng hầm, khu vực để xe…

Ngoài ra, chủ nhà trọ, người thuê trọ còn chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt như sạc pin điện thoại, xe máy điện, đạp điện, bình ắc quy xuyên đêm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, nhiều nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini ở trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ như lối thoát nạn, bố trí dụng cụ PCCC…

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM khuyến cáo các biện pháp đối với ban quản lý, chủ nhà trọ.

Cụ thể, cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu thuộc diện), lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo quy định. Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đảm bảo hệ thống điện được lắp đặt và sử dụng an toàn, thường xuyên kiểm tra, thay thế, khắc phục.

Cần có quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt tại tầng hầm, khu vực để xe…

Tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các thiết bị PCCC cho quản lý, bảo vệ và người thuê trọ. Tổ chức cuộc diễn tập PCCC định kỳ để đảm bảo tất cả cư dân, người thuê trọ biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Cung cấp hướng dẫn về an toàn PCCC cho tất cả cư dân, người thuê trọ, niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ thoát nạn… tại các vị trí, khu vực dễ thấy, dễ đọc.

Đảm bảo rằng có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ, không lắp đặt “chuồng cọp” bít lối thoát nạn. Lối thoát nạn không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc. Bố trí các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.•

Cách giảm ngạt khói khi xảy ra hỏa hoạn

Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, acid hữu cơ… trong đó, khí CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.

Nếu xảy ra cháy, đầu tiên người dân cần giữ bình tĩnh, gọi đến số 114 để nhờ hỗ trợ, hô to nhờ người giúp.

Tìm các lối ra, trong trường hợp mắc kẹt trong phòng hãy đóng cửa để ngăn khói bay vào. Sau đó, bịt khoảng trống xung quanh cửa, lỗ thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.

Hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay, hai đầu gối để hạn chế hít khói.

Lấy một mảnh vải hoặc một vật dụng lớn, làm ẩm để gần mũi, miệng. Nước sẽ lọc khí độc.

Nếu có người bị thương hoặc bị bỏng, nên nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, đến nơi an toàn, rộng rãi, thoáng mát. Nới lỏng quần áo, gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ.

Để nạn nhân ngồi hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo. Nếu nạn nhân thở yếu, mệt, cần ưu tiên xử lý sớm, theo hướng dẫn điều phối chung của nhân viên y tế.

BS TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh

HUỲNH THƠ - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-nguy-co-mat-an-toan-pccc-o-cac-khu-nha-tro-post792371.html