Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh cảnh báo, thời tiết nắng nóng sẽ khiến vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Đáng kể như giữa tháng 3/2024, có 368 người sau khi ăn cơm gà tại một quán ăn tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) xuất hiện triệu chứng bị ngộ độc phải vào các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, trong các món: gà, xốt trứng, dưa chua... phát hiện có vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus. Mẫu nước máy lấy tại vòi khu vực chế biến có các vi khuẩn Escherichia coli và Coliform. Mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa có vi khuẩn Escherichia coli, Coliform và Pseudomonas aeruginosa.
Tiếp đó, vào ngày 31/3, cũng tại TP Nha Trang, hàng chục học sinh của một trường học bị ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà tại các quán vỉa hè gần trường.
Qua các vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi thời tiết bước vào nắng nóng, việc bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị vi khuẩn, virus xâm nhập.
Tại Hà Tĩnh, trong đợt ra quân kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ hội xuân 2024, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã kiểm tra 3.822 cơ sở, phát hiện và xử lý 62 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Đến nay, Hà Tĩnh chỉ ghi nhận các ca ngộ độc rải rác, không có vụ ngộ độc lớn xảy ra trên địa bàn.
Bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Hà Tĩnh hiện có tổng số 18.879 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó, cấp tỉnh quản lý 389 cơ sở, cấp huyện quản lý 8.556 cơ sở, cấp xã quản lý 9.934 cơ sở. Mặc dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm, song, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện vẫn rất cao.
Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, chưa thực sự đáp ứng được các quy định về cơ sở vật chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nuôi trồng, chế biến, kinh doanh chưa kịp thời. Tình trạng kinh doanh hàng hóa thực phẩm quá hạn, kém chất lượng vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mỏng, nhất là tuyến xã (chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm), một số nhiệm vụ triển khai chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác tập huấn kiến thức, cập nhật các văn bản quy định, hướng dẫn về ATTP cho các tuyến chưa đáp ứng yêu cầu”.
Theo cảnh báo từ ngành Y tế Hà Tĩnh, hiện đã bước vào mùa du lịch biển, nhu cầu ăn uống tại các bãi tắm, nhà nghỉ, khách sạn gia tăng nên càng đặt ra nhiều nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ từ 37-40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh hơn nhiều lần so với bình thường. Vì vậy, nếu không nâng cao ý thức trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... thì sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là trong mùa hè, người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải thực hiện tốt trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh.
Được biết, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành nhân Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (15/4 - 15/5) nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Các cơ quan chức năng và các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; các cơ sở kinh doanh nước giải khát, cơ sở chế biến và bán thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhằm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và lây lan các bệnh truyền qua thực phẩm.
Về lâu dài, cần nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác ATVSTP thông qua các đợt đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý ATVSTP; áp dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các lực lượng, các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương trong công tác giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện bảo đảm ATTP.
Bà Đào Thị Phương – Phó Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-mua-nang-nong-post264244.html