Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt khi làm việc ngoài trời nắng kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 2 ngày tới (8 và 9/7), khi cơn bão số 2 đi qua, thời tiết Bắc Bộ có mây, ngày nắng với mức nhiệt cao nhất 35 độ C, tiềm ẩn nhiều nguy cơ say nắng, say nóng, sốc nhiệt.

Ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ, mới đây một trường hợp bà N.T.H (65 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) khi lao động ngoài đồng trong điều kiện nắng gắt thì đột ngột ngất xỉu. Người bệnh được đưa đến Trung tâm Y tế khu vực cấp cứu ban đầu với chẩn đoán theo dõi sốc nhiệt và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại thời điểm tiếp nhận, người bệnh trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch, sốt 39°C. Các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nhanh chóng triển khai các biện pháp điều trị tích cực như hạ thân nhiệt bằng phương pháp chườm ấm, truyền dịch, duy trì thở máy và ổn định huyết động. Sau khoảng 6 giờ điều trị tích cực, người bệnh đã có dấu hiệu cải thiện: hạ sốt, tiểu được trở lại, dừng được thuốc vận mạch. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và được ra viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lịch (Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), sốc nhiệt là một tình trạng y tế nghiêm trọng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao và không thể hạ nhiệt độ, thường là do tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, hoặc làm việc, hoạt động thể chất mạnh trong thời tiết nóng.

Các đặc điểm chính của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể tăng lên 40°C (104°F) hoặc cao hơn. Cơ chế làm mát của cơ thể không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, chẳng hạn như đổ mồ hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây lú lẫn, bất tỉnh, tổn thương đa cơ quan hoặc thậm chí tử vong.

Bệnh nhân N.T.H được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Bệnh nhân N.T.H được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Đối với trường hợp người bệnh H, nhờ đã được đưa đến cơ sở y tế kịp thời nên người bệnh đã có thể hồi phục nhanh chóng và giảm tối thiểu tình trạng tổn thương các cơ quan. Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốc nhiệt.

Đó là người lao động ngoài trời cần được bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt tránh làm việc trong khung giờ nắng gắt từ 10h đến 16h. Khi làm việc, nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay, sử dụng khăn bảo vệ cổ gáy, đồng thời uống đủ nước và bổ sung điện giải đều đặn để tránh mất nước và rối loạn thân nhiệt.

Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như mệt lả, choáng váng hoặc đau đầu, cần lập tức dừng công việc, tìm nơi râm mát để nghỉ ngơi và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Với những người có bệnh mạn tính như xơ gan, suy thận… hoặc đang lạm dụng rượu, nguy cơ bị sốc nhiệt và các biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn nhiều. Do đó, cần đặc biệt thận trọng khi làm việc trong điều kiện thời tiết oi bức.

Cần làm gì khi gặp người bị sốc nhiệt?

Trong trường hợp phát hiện người bệnh sốc nhiệt, việc quan trọng nhất các bác sĩ khuyến cáo là làm mát ngay lập tức. Cụ thể là khẩn trương di chuyển người đó đến nơi mát hơn, cởi bớt quần áo, chườm nước mát hoặc túi đá và tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.

Bởi theo tài liệu của WHO, sốc nhiệt chính là một tình trạng cấp cứu y tế. Việc chậm trễ trong xử trí có thể khiến người bệnh bị tổn thương não và các cơ quan nội tạng. Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa để bảo vệ chính mình và người thân trong mùa nắng nóng cực đoan như mùa hè hiện nay.

Trong những ngày hè, mỗi người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, đồng thời theo dõi sát sức khỏe của mình và người thân để tránh những hậu quả đáng tiếc do sốc nhiệt gây ra. Đặc biệt, cần chủ động đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe.

Khi cảm thấy cơ thể mình hoặc những người xung quanh có dấu hiệu say nắng, say nóng, sốc nhiệt hoặc các vấn đề về sức khỏe khác, người dân hãy liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Song Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/canh-bao-nguy-co-soc-nhiet-khi-lam-viec-ngoai-troi-nang-keo-dai-10379129.html