Cảnh báo nguy cơ tử vong vì bệnh não mô cầu ở trẻ em
Bệnh não mô cầu đang gia tăng trong giai đoạn giao điểm giữa mùa khô và mùa mưa ở khu vực phía Nam. Bệnh khó phát hiện và nguy cơ gây tử vong cao đối với bệnh nhi.
Trẻ đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1
Thông tin trên được TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), đưa ra ngày 5/5 tại tọa đàm về “Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà trên thanh thiếu niên” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức tại TPHCM. Ông cho hay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhiễm não mô cầu.
Hiện nay, khu vực các tỉnh phía Nam đang bước vào giao điểm giữa mùa nắng và mùa mưa. Đây là giai đoạn thuận lợi cho sự lây lan của bệnh não mô cầu. Não mô cầu sẽ vào mùa và tăng cao trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ người lành mang trùng (người mang vi khuẩn gây bệnh não mô cầu nhưng không phát bệnh) trong cộng đồng rất cao.
Theo TS.BS Nghĩa, chích ngừa cho nhóm thanh thiếu niên và người lớn là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Ông cho hay, hiện có 2 loại vắc xin ngừa não mô cầu, loại thứ nhất được chỉ định cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến người trưởng thành 45 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 6 đến 8 tuần; loại thứ hai được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi cho tới người lớn 55 tuổi. Trong đó, trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi sẽ chích 2 mũi, nhóm còn lại chỉ chích 1 mũi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn có tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 10%, thường xảy ra trong vòng 24-48 giờ. Tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Nếu may mắn sống sót, sẽ có khoảng 10-20% bệnh nhân vẫn phải chịu những di chứng nặng nề của bệnh như tổn thương não, điếc, tàn tật.