Cảnh báo nguy hiểm 'sinh con thuận tự nhiên'

Nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con khi sinh tại nhà sẽ xảy ra nếu sản phụ bị rau tiền đạo, thai ngôi mông, sa dây rốn, tim thai yếu

Sau một thời gian trầm lắng, mới đây, mạng xã hội lại rộ lên thông tin "khuyến khích" việc "sinh con thuận tự nhiên". Chỉ cần gõ cụm từ này trên trang mạng xã hội Facebook sẽ cho ra nhiều kết quả của các hội nhóm cổ xúy cho trào lưu này. "Sinh con thuận tự nhiên" tại nhà không có sự can thiệp của y tế đã được cảnh báo nguy hiểm nhiều lần.

Bất chấp rủi ro

Mới đây, trên mạng xã hội không ngừng chia sẻ hình ảnh về một trường hợp "sinh con thuận tự nhiên" tại nhà. Hình ảnh được chia sẻ là người phụ nữ vừa chuyển dạ, ôm một em bé sơ sinh tím tái trong bồn nước nhuốm màu máu. Thậm chí sau đó, khi sản phụ nằm nghỉ ngơi, em bé còn nguyên dây rốn và bánh nhau. Nhiều tài khoản bình luận cảm thấy "rùng rợn" và "ám ảnh" khi nhìn thấy hình ảnh sản phụ bất chấp sinh con tại nhà mà không cần hỗ trợ y tế.

Nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) chăm sóc mẹ và bé ngay sau sinh

Nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) chăm sóc mẹ và bé ngay sau sinh

Tương tự, một tài khoản Facebook tên M.N.P mới đây cũng chia sẻ bài viết kèm hình ảnh một em bé sơ sinh còn nguyên dây rốn và bánh nhau đã chào đời bằng phương pháp này.

Tất nhiên, đã có nhiều trường hợp nguy hiểm cho mẹ và bé. Trước đó, năm 2020, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) tiếp nhận một sản phụ tự sinh con tại nhà. Sau sinh 5 giờ, người nhà sản phụ mới gọi y - bác sĩ mong muốn được hỗ trợ cắt rốn bé. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã phải vất vả thuyết phục sản phụ can thiệp y tế cho mẹ và bé. Sau đó, kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ bị thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng...

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trào lưu "sinh con thuận tự nhiên" không phải là chuyện mới. "Thực ra, sinh con thuận tự nhiên là cách sinh nở của tổ tiên ông bà từ xa xưa nhưng không phải là hành vi đáng được cổ xúy. Không phải tự nhiên mà việc sinh nở của sản phụ cần phải có can thiệp y tế. Những năm 1990, khi Chính phủ nhận thấy tỉ lệ bà mẹ mang thai chết khi sinh con tại nhà quá cao, lên tới 300 ca tử vong/100.000 ca sinh, đội ngũ cô đỡ thôn bản được ra đời để trợ giúp những sản phụ vượt cạn" - bác sĩ Hải giải thích.

Phân tích thêm về quan niệm để nguyên dây rốn, bánh nhau để em bé có thêm dưỡng chất sau khi sinh, bác sĩ Hải bác bỏ: "Trong y khoa, cắt dây rốn chậm sẽ giúp bé nhận đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể thông qua dây rốn. Từ đó, sẽ ngăn ngừa được bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ chứ hoàn toàn không phải dưỡng chất gì. Việc để nguyên bánh nhau dính theo trẻ sơ sinh lâu dễ gây nhiễm trùng, uốn ván, nguy hiểm đến tính mạng trẻ".

Không nên đánh cược tính mạng mẹ và bé

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Thu, Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết sinh con tại nhà không thể theo dõi và xử lý kịp thời các diễn biến của sản phụ. Nếu xảy ra vấn đề bất thường, trẻ sơ sinh có thể mất tim thai và đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, việc sinh tại nhà cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ do môi trường không vô trùng. Ngoài ra, người mẹ sinh tại nhà có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng, rách âm đạo, băng huyết sau sinh, rách tầng sinh môn và có thể để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy cơ tử vong nhanh. Đặc biệt, bà mẹ có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, tiền sản giật... không có bác sĩ chuyên môn xử lý thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

BS Trần Ngọc Hải nhận định những trường hợp "sinh con thuận tự nhiên" được khoe trên mạng xã hội chỉ là "ăn may". Hàng loạt nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con nếu sinh tại nhà sẽ xảy ra nếu sản phụ bị rau tiền đạo, thai ngôi mông, sa dây rốn, tim thai yếu. "Tai biến sản khoa được gọi là tai biến sét đánh, rất nhanh, rất bất ngờ. Có nhiều trường hợp sinh tại bệnh viện mà khi có tai biến, chỉ chậm 3 - 5 phút đã phải trả giá rất đắt" - bác sĩ Hải nói và giải thích thêm ở nước ngoài cũng có những trường hợp sinh con tại nhà nhưng họ luôn có một đội ngũ y tế túc trực bên cạnh.

"Những trường hợp sinh rớt trên đường, trên xe taxi cũng gọi là "tự nhiên" nhưng sau đó cả người mẹ và em bé đều phải được đưa đến cơ sở y tế. Vì phải vào bệnh viện, trạm y tế, em bé mới được kiểm tra, làm giấy chứng sinh để làm thủ tục khai sinh sau này. Bé sinh tại nhà không được làm giấy chứng sinh" - bác sĩ Hải giải thích.

Theo các bác sĩ, khi mạng ảo trở thành... mạng thật, người dân phải biết tự bảo vệ mình, không nên đánh cược tính mạng và các nguy cơ biến chứng sau sinh. Nếu sản phụ muốn sinh tại nhà, cần phải có một đội ngũ y - bác sĩ được đào tạo, được cấp phép cùng theo dõi.

Nên khám thai định kỳ

Các bác sĩ khuyến cáo khi mang thai, sản phụ nên khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế được cấp phép để được chăm sóc và điều trị phù hợp trong quá trình mang thai và sinh đẻ. Sản phụ sẽ được hỗ trợ sinh con tự nhiên nghĩa là sinh ngả âm đạo với việc giảm đau sản khoa (theo yêu cầu), bé được da kề da với mẹ theo đúng chuẩn, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm nếu chuyển dạ thuận lợi và sẽ được can thiệp bằng các phương pháp sinh giúp hoặc mổ lấy thai nếu có chỉ định.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-nguy-hiem-sinh-con-thuan-tu-nhien-196240615204716454.htm