Cảnh báo những thực phẩm tránh mua dịp Tết
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ càng nguy hiểm vì có thể chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu.
Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ.
Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.
Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm... Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn...
Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay cho thấy, vì lợi nhuận kinh tế, nhiều người lại bất chấp đưa màu công nghiệp chế biến thực phẩm. Bởi phẩm màu công nghiệp không yêu cầu tinh khiết nên hoàn toàn có thể lẫn những tạp chất nguy hiểm.
Hơn nữa, chúng lại thường bám rất chắc, do đó, khi vào cơ thể các chất này cũng bám chắc vào các cơ quan, khiến quá trình đào thải ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Lâu dần, lượng màu tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây ngộ độc và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Cách nhận biết thực phẩm màu công nghiệp
Theo chuyên gia, bằng cảm quan thông thường, để khẳng định chính xác một thực phẩm nào đó bị lạm dụng màu công nghiệp trong chế biến không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu nhận diện, người tiêu dùng có thể dựa vào đó để cân nhắc xem có nên sử dụng thực phẩm đó hay không.
Chẳng hạn, màu tự nhiên trên thực phẩm thường không lòe loẹt, sặc sỡ mà hơi nhạt. Tuy vậy, khi nhìn vào, chúng ta vẫn thấy màu trong, tươi, khỏe khoắn. Nếu để thực phẩm đó ở ngoài không khí lâu, màu trên thực phẩm sẽ bị nhạt dần, thậm chí đổi sang màu khác.
Bên cạnh đó, khi cầm vào những thực phẩm này, màu dễ bị vương ra tay không bám chắc như màu công nghiệp, ví dụ như cầm xôi gấc sẽ bị đỏ nhẹ ở tay. Màu xôi gấc nhìn cảm giác bóng còn nhuộm màu công nghiệp thì không có độ bóng.
Màu công nghiệp có cường độ màu cao, không bị xỉn màu do đó, nếu thực phẩm nào đó để lâu ngoài không khí nhưng vẫn giữ được màu sắc sặc sỡ, có thể chúng đã bị lạm dụng màu công nghiệp để bảo quản.
Riêng với Rhodamine B là chất có tính huỳnh quang, phát sáng trong bóng tối, do đó, có thể phát hiện bằng cách cho vào bóng tối. Tuy nhiên, hàm lượng ít nên cũng khó phát hiện.
Các chuyên gia chỉ một mẹo nhỏ đối với những gia đình có máy soi tiền là có thể chiếu vào những thực phẩm có màu đỏ au, ví dụ bò khô, hạt dưa, nếu thấy có phát sáng thì chứng tỏ có chất này trong đó.