Cảnh báo rủi ro từ những homestay kém an toàn
Sau sự cố cháy homestay tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và nhiều vụ mất cắp đồ tại các homestay thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về mức độ kém an toàn và những rủi ro khi vận hành hệ thống homestay này.
Không đảm bảo an toàn
Chị Nguyễn Thu An, một người kinh doanh homestay tại phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị tham gia kinh doanh mô hình này được hơn nửa năm, thời gian hiện tại vẫn phải bù lỗ vì khách du lịch vào mùa hè thường tập trung đi biển. Nhưng tréo ngoe hơn, căn homestay mà chị đang kinh doanh lại thường xuyên bị mất đồ hoặc hỏng đồ mỗi khi khách trả phòng.
"Tiền cho thuê hiện tại vẫn chưa đủ để tôi trả tiền thuê nhà hàng tháng và vẫn phải bù lỗ. Không những vậy đồ đạc lại thường xuyên bị mất hoặc bị hỏng do khách dùng không ý thức, phần mục này nhìn thì tưởng nhỏ nhưng nhiều lần như thế thì cũng phát sinh thêm chi phí" - chị An nói.
Tình trạng khách hàng vào lưu trú, sau đó có những hành vi không chuẩn mực trong việc bảo vệ tài sản của chủ nhà không phải là hiếm gặp trong các trường hợp thuê lưu trú theo hình thức homestay. Bởi khách thuê có tâm lý và hành vi ứng xử rất đa dạng, theo đánh giá thì đa phần những người thuê lưu trú theo hình thức homestay thuộc nhóm khách hàng bình dân, có nhiều người văn minh nhưng cũng không ít người thiếu ý thức.
Ngoài việc thiếu ý thức trong việc giữ gìn tài sản cho gia chủ, rất nhiều trường hợp khách hàng thuê homestay mang theo những hành vi phạm pháp khi đến lưu trú, như: Sử dụng ma túy, bài bạc... đây là nỗi lo lớn những đối với những chủ kinh doanh homestay, nếu bị phát giác thì chính chủ nhà cũng gặp phải liên lụy.
"Điều làm chúng tôi lo ngại nhất là khách hàng đến thuê mang theo những tệ nạn và cố tình phạm pháp. Có nhiều lần 4 - 5 thanh niên cùng đi với nhau đến để nhận phòng, sau đó họ tổ chức đánh bạc ngay tại homestay của tôi, sau khi phát hiện tôi đã yêu cầu khách hàng ra khỏi nhà và mình thì phải hoàn lại tiền, trong khi đó thì mất cơ hội đối với khách hàng khác" - chị An cho biết thêm.
Thiếu thủ tục pháp lý
Đại diện UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, qua công tác kiểm tra tình trạng kinh doanh homestay trên địa bàn phường, rất nhiều chủ homestay mới chỉ tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh ở điều kiện "cần" là đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn, còn các điều kiện khác như an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy lại chưa quan tâm ngay.
"Theo quy định của pháp luật thì kinh doanh homestay là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều chủ nhà nghĩ không cần phải đi đăng ký kinh doanh hay làm các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự... do vậy khi lực lượng chức năng phát hiện xử lý dẫn đến việc bị phạt tiền" - đại diện UBND phường Hàng Trống nói.
Ngoài ra, việc khai báo lưu trú cũng là vấn đề mà nhiều chủ homestay chưa thực sự lưu tâm, nhiều chủ homestay không khai báo hoặc khai báo không đủ số lượng, đặc biệt là khi có khách thuê phát sinh vào ban đêm.
Theo ông Vũ Quang Vinh - Hiệp hội BĐS Việt Nam, kinh doanh homestay đang là lĩnh vực được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhóm người này là những người chưa có kinh nghiệm trong vận hành, quản lý, nên sẽ dễ bị thiếu sót hoặc sai trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý khi kinh doanh.
"Trước khi kinh doanh ngoài những vấn đề về vị trí, địa điểm, thì cần phải đặc biệt chú tâm đến các thủ tục pháp lý. Khi bị dính líu đến những thủ tục pháp lý sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khách hàng cũng vì tâm lý đó mà không muốn đến thuê để lưu trú nữa, chủ nhà vừa bị phạt tiền vừa bị mất doanh thu" - ông Vinh chia sẻ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-bao-rui-ro-tu-nhung-homestay-kem-an-toan-349336.html