Cảnh báo rủi ro xuất khẩu: Kinh nghiệm từ 5 container điều tại Algeria
Thương vụ Việt Nam tại Algeria mới đây đã thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước về trường hợp cụ thể gặp phải rủi ro, thiệt hại khi xuất khẩu sang thị trường này, đồng thời khuyến nghị một số lưu ý.
Khi đối tác mất năng lực thực hiện các thủ tục nhập hàng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, tháng 8/2022 một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container điều sang Algeria qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng.
Khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là Công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan do Công ty Eurl ATS Food đã bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này không được phía Algeria công bố). Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là Công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đều nghị của trung gian tại Nam Phi song hải quan Algeria không chấp nhận.
Theo hải quan cảng Mostaganem, Công ty ATS Food đã mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng.
Sau gần 8 tháng nằm ở cảng, 5 container điều xuất khẩu của Việt Nam đã bị hải quan Algeria bán đấu giá, theo đúng quy định của quốc gia này. Công ty xuất khẩu Việt Nam cũng chưa nhận được phần tiền hàng còn lại từ nhà môi giới Nam Phi.
Kiểm tra thông tin đối tác kỹ lưỡng từ nhiều nguồn tin cậy
Từ trường hợp cụ thể trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị một số lưu ý đến các doanh nghiệp xuất khẩu điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung để tránh những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam không nên giao dịch với những đối tác như Công ty Eurl ATS Food. Cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch bằng nhiều cách như: đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và liên hệ đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thẩm tra.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng không nên quá tin tưởng vào công ty môi giới dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu. Phương thức thanh toán nên dùng thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên.
Do ngân hàng Algeria không cho phép chuyển tiền đặt cọc từ trong nước nên có thể đề nghị khách đặt cọc ngoài Algeria. Doanh nghiệp cần thỏa thuận, đề nghị khách thanh toán 100% tiền hàng trước khi tàu cập cảng Algeria để chủ động kiểm soát tiền hàng.
"Khi hàng đã vào cảng, nếu khách hàng hay ngân hàng Algeria chậm thanh toán 1 tuần, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và các cơ quan hữu quan như Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi (Bộ Công Thương) để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời, tránh tình trạng để hàng kéo dài tại cảng dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, tiền phạt và hải quan sở tại bán đấu giá sung công quỹ", Thương vụ Việt Nam tại Algeria lưu ý.