Cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên giao hàng chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Shiper giả lừa tiền thật

Theo thông tin từ Công an một số tỉnh, thủ đoạn của đối tượng giả mạo nhân viên giao hàng chiếm đoạt tài sản là tham gia các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok… để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm.

Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream.

Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng từ các buổi livestream, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh… của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm.

Cuộc trao đổi của đối tượng lừa đảo với "con mồi".

Cuộc trao đổi của đối tượng lừa đảo với "con mồi".

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây các đối tượng này còn thực hiện cuộc gọi ngẫu nhiên vào bất kỳ số điện thoại nào đó và tự nhận là nhân viên giao hàng một cách chuyên nghiệp và thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà để gọi điện.

Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ dẫn dắt “con mồi” đưa địa chỉ người quen, hàng xóm, bạn bè để gửi hàng. Sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng.

Các bước để lừa người dùng trên mạng xã hội của các đối tượng lừa đảo.

Các bước để lừa người dùng trên mạng xã hội của các đối tượng lừa đảo.

Chị Đinh Thị Thanh Hoài, một nạn nhân của việc lừa đảo trên cho biết, do công việc bận rộn nên thường xuyên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, mới đây chị đã bị lừa mất hơn 200 nghìn đồng với thủ đoạn nhân viên gọi giao hàng và chị "tiện tay" chuyển khoản theo thói quen. Theo chị Hoài, việc bị lừa xuất phát nhiều yếu tố như nhà ở chung cư nên hàng giao đến thường để ở nhà sinh hoạt cộng đồng chứ không giao trực tiếp lên nhà, nên việc kiểm tra hàng hóa thường bị bỏ qua đối với những người bận công việc như chị. Thêm vào đó, những đối tượng lừa đảo thường dung sim 10 số với đầu số 09... cũng tạo niềm tin cho các nạn nhân.

Theo ghi nhận của phóng viên, những đối tượng hoạt động lừa đảo giả làm nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản này hoạt động theo ổ nhóm và có sự chỉ đạo.

Cách phòng tránh "sập bẫy" giả mạo nhân viên giao hàng chiếm đoạt tài sản

Để phòng ngừa thủ đoạn trên, lực lượng Công an Hà Nội, Lai Châu và một số tỉnh thành đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý: Trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức.

Người dân chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng; tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng để người dân tránh sập bẫy trên mạng xã hội.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng để người dân tránh sập bẫy trên mạng xã hội.

Người dân hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với người bán hàng.

Người dân cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất “thúc ép” chuyển tiền ngay.

Người mua nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, cần nhanh chóng báo cáo cơ quan công an để kịp thời giải quyết.

Vũ Ngọc Tân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/canh-bao-thu-doan-gia-mao-nhan-vien-giao-hang-chiem-doat-tai-san-204240816084910266.htm