Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa chất cấm
Thuốc lá điện tử (TLĐT) pha trộn ma túy đang len lỏi vào giới trẻ qua hình thức ngụy trang tinh vi, dễ mua trên mạng. Không ít học sinh, sinh viên đã nhập viện vì ngộ độc TLĐT có chứa chất cấm. Trước nguy cơ này, gia đình và nhà trường cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa sớm.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá.
Ngụy trang tinh vi
Theo Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, những năm gần đây, tình trạng TLĐT pha tẩm ma túy diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm này được ngụy trang tinh vi, quảng bá bắt mắt với tên gọi như Ampire, Gangster, Amsterdam... nhắm vào giới trẻ, bởi đây là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng. Ban đầu, TLĐT chứa ma túy chủ yếu nhập lậu nhỏ lẻ từ nước ngoài; tiếp đó, xuất hiện tình trạng nhập linh kiện, tinh dầu, hóa chất, kể cả ma túy về pha chế, sản xuất TLĐT ngay trong nước. Một số cơ sở còn sản xuất cốt chứa cần sa tổng hợp để bơm vào TLĐT tiêu thụ nội địa. Các sản phẩm này thường được quảng cáo là không chứa chất cấm, an toàn, tạo khoái cảm, tăng lực... khiến người dùng hiểu lầm. Thậm chí, TLĐT chứa ma túy có hình thức bên ngoài như hàng tiêu dùng thông thường, nhưng bên trong chứa chất ma túy tổng hợp mới, gây khó khăn cho việc phát hiện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước có 1.224 ca nhập viện liên quan TLĐT, thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 71 trường hợp trẻ dưới 18 tuổi. Không ít em nhập viện trong tình trạng co giật, mê sảng, rối loạn ý thức, suy hô hấp… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ sát sao, đồng hành
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng xử lý hơn 670 vụ liên quan đến TLĐT, thuốc lá nung nóng với hơn 840 người vi phạm. Nhiều vụ bị khởi tố hình sự về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, mua bán trái phép chất ma túy. Phần lớn bị xử lý hành chính do kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu linh kiện, tinh dầu để sản xuất trong nước. Một số trường hợp bị xử lý về hành vi “Buôn lậu” theo Điều 178 hoặc “Sản xuất, mua bán hàng giả” theo Điều 192, Bộ luật Hình sự.
Trước thực trạng trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ. Nội dung tập trung cảnh báo các loại ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, “bóng cười”… thông qua nhiều hình thức sinh động, dễ tiếp cận. Cùng với đó, công an các cấp phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm như trường học, khu công nghiệp, khu vực biên giới. Mục tiêu là giúp người dân, nhất là thanh thiếu niên nhận diện sớm nguy cơ, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe trước các sản phẩm chứa chất cấm được ngụy trang tinh vi.
Thiết nghĩ, gia đình, nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ từ TLĐT chứa ma túy. Cha mẹ cần quan tâm sát sao đến sinh hoạt, các mối quan hệ của con em hằng ngày. Chú ý phát hiện sớm những biểu hiện bất thường như thay đổi tính cách, hành vi sử dụng TLĐT mua qua mạng hoặc do bạn bè rủ rê, giới thiệu. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách nhận biết các loại ma túy “ngụy trang” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, “bóng cười”…
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/canh-bao-thuoc-la-dien-tu-chua-chat-cam-383998.html