Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em dịp hè
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, trên địa bàn tỉnh trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước 93 trường hợp. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước đều xuất phát từ việc trẻ em rủ nhau đi tắm tại các ao, hồ, sông, suối mà không có sự quản lý của người lớn, chưa có kỹ năng bơi lội.
Như trường hợp 4 cháu bé ở Bình Phước rủ nhau đi tắm tại xã đập Đao U2 (đập chứa nước) thuộc thôn Bình Trung, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng thì 3 bé bị đuối nước xảy ra ngày 18/2/2023. 1 bé may mắn được người dân phát hiện, cứu vớt kịp thời, 2 bé còn lại là Đ.T.L và Đ.T.H bị đuối nước tử vong.
Còn sáng 3/3, tại khu vực hồ Suối Cam (khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), một nam sinh lớp 7 là N.V.P. (13 tuổi) cùng bạn xuống hồ tắm nhưng P. bị đuối nước tử vong.
Chiều 2/5, em H.T.N. (17 tuổi, ngụ xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành) cùng 3 bạn rủ nhau lên sông Bé (thuộc ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản) để tắm, nhưng do nước chảy xiết, N. bất ngờ hụt chân bị nước cuốn trôi. Sau khi tích cực tìm kiếm, sáng 4/5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm thấy thi thể N. cách nơi em mất tích hơn 5km.
Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước chỉ đạo đơn vị chức năng và Công an các địa phương tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền phòng, chống đuối nước trong trường học và khu dân cư. Tại buổi tuyên truyền tại Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn thuộc xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng vào đúng ngày tổng kết năm học vừa qua, PV chứng kiến các em học sinh chăm chú lắng nghe cán bộ Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), Công an tỉnh Bình Phước tuyên truyền kiến thức cơ bản về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tác hại của thuốc lá điện tử, ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa đuối nước. Buổi tuyên truyền có sự tham gia của hơn 450 học sinh, phụ huynh và giáo viên. Không chỉ hướng dẫn cho học sinh, giáo viên, cán bộ tuyên truyền còn nâng cao kiến thức cho phụ huynh về những nội dung trên nhằm kêu gọi gia đình quan tâm hơn đến con em, nhất là dịp hè, không để xảy ra tình trạng đuối nước hay các vấn đề khác có tác hại đến các em.
Trung tá Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng thuộc Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Bình Phước, người trực tiếp tuyên truyền cho biết, bằng hình thức tương tác, khơi gợi tính chủ động tiếp cận các kiến thức, kỹ năng thông qua giao lưu, trả lời các câu hỏi có thưởng, các em học sinh đã hào hứng tham gia; tạo không khí sôi nổi, vui tươi và cũng là những kỷ niệm đẹp trong mỗi học sinh tại buổi tuyên truyền.
“Công tác tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước cũng như phổ biến kiến thức phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tác hại của thuốc lá điện tử, ngộ độc thực phẩm… được thực hiện thường xuyên. Do đó, tình trạng đuối nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra, rất đau xót”, Trung tá Nguyễn Văn Thủy chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Văn Đợi, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Bình Phước cho biết, trong dịp trước và trong kỳ nghỉ hè, đơn vị phối hợp với các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động, cảnh báo các nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, sử dụng và nghiện thuốc lá điện tử, ngộ độc thực phẩm và đuối nước trong lứa tuổi học sinh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý của gia đình, nhà trường đối với học sinh trong dịp hè; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc mất an toàn đối với học sinh, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến môi trường học đường trên địa bàn tỉnh.
Điều quan trọng vẫn là sự quan tâm của phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con cái không tắm sông, suối, ao, hồ. Nhà trường và Đoàn thanh niên cũng cần tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng cho hay, hằng năm, Ban chỉ đạo hè của xã tổ chức khai mạc hè và tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Trong đó, có nội dung tổ chức các hoạt động hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước; các hồ nước được dựng biển cảnh báo nguy hiểm và khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không để các em ra hồ chơi hay tắm.
Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, có những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ; sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.
Mặt khác, tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít, các nhà văn hóa hầu như chỉ để phục vụ hội họp của thôn, xóm… Trong khi số hồ bơi an toàn, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu học tập kỹ năng bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước còn hạn chế.
Để không xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước, chính quyền địa phương, gia đình cần phải luôn nhắc nhở trẻ không chơi tại những khu vực nguy hiểm gần sông, suối, ao, hồ. Chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư, tổ chức các lớp học bơi cho trẻ em, ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc khó khăn; tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao phục vụ trẻ em trong dịp hè nhằm góp phần hạn chế tình trạng tai nạn đuối nước.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-bao-tinh-trang-duoi-nuoc-o-tre-em-dip-he-i697332/