Cảnh báo tình trạng xâm hại di tích, bảo vật quốc gia

Vụ Bảo vật quốc gia (BVQG) Ngai Vua triều Nguyễn (hay còn gọi là Ngai vàng' được trưng bày tại Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế vừa bị kẻ xấu xâm hại đang là câu chuyện khiến dư luận chú ý mấy ngày qua. Đây là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ di tích, bảo vật trong bối cảnh khách tham quan ngày càng đông…

Xót xa di tích, bảo vật bị xâm hại

Đã 5 tháng kể từ khi lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở phường Long Hồ, quận Phú Xuân) bị đào xới, đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang truy tìm đối tượng xâm hại. Trước đó, ngày 5/1, bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế phát hiện lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát có dấu hiệu bị đào xới.

Ngai Vua triều Nguyễn được trưng bày tại Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế trước lúc bị kẻ xấu phá hoại.

Ngai Vua triều Nguyễn được trưng bày tại Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế trước lúc bị kẻ xấu phá hoại.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại. Trước đó, khu lăng mộ này từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vật tùy táng thường là vàng bạc, châu ngọc... Nạn đào trộm lăng mộ vua chúa từng diễn ra ở Huế vào những năm 80-90 thế kỷ trước, như lăng Thái hậu Từ Dũ bị đào trộm năm 1980; lăng mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu bị đào trộm năm 1990, lăng vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng bị đào trong khoảng thời gian này...

Không chỉ có lăng mộ vua chúa bị xâm hại mà thời gian qua, tại TP Huế, một số BVQG đã bị du khách, người dân viết, vẽ bậy lên. Đơn cử, là Đại Hồng Chung ở Chùa Thiên Mụ tọa lạc tại phường Hương Long (quận Phú Xuân). Đại Hồng Chung là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng hơn 2.000 kg, cao 2,5 m, đường kính miệng 1,4 m, có hình dáng cân đối; hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh vi với các hình ảnh biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.

Trải qua năm tháng, trên chiếc chuông cổ, chi chít chữ là những lời cầu an, thỉnh nguyện, ký hiệu yêu đương, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn để lại dấu ấn của du khách… Cùng số phận với Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ, BVQG bia Khiêm Cung Ký tại Lăng vua Tự Đức cũng chằng chịt dấu bút khách tham quan.

Đau xót hơn, trưa 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, thường trú tại phường Hương Long, quận Phú Xuân, TP Huế) mua vé vào cổng của Đại Nội Huế. Tiếp đó, đối tượng vào Điện Thái Hòa- khu vực trưng bày BVQG Ngai Vua triều Nguyễn rồi la hét và sau đó xâm hại làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái… Ngày 26/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm để điều tra làm rõ hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Theo cơ quan điều tra, đối tượng Tâm từng bị TAND quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vào năm 2023.

Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản bảo vật

Ngày 26/5, qua kiểm tra công tác bảo vệ di tích và các hiện vật, BVQG tại các điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, trong đó có di tích Điện Thái Hòa - nơi xảy ra vụ BVQG Ngai Vua triều Nguyễn bị kẻ xấu làm hư hại; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Thanh Bình cho hay, sẽ tổ chức đánh giá lại tình hình sự việc, qua đó yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Đồng thời, đưa ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các phương án để bảo vệ tốt hơn hiện vật cụ thể cũng như tổng thể di tích, di sản đang hiện hữu ở TP Huế.

Hiện, UBND TP Huế đã giao trách nhiệm cho Trung tâm BTDT phối hợp với Sở VH-TT tiến hành xây dựng các phương án để bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật đối với các di tích, di sản, đặc biệt là các hiện vật cấp quốc gia mà thành phố đang hiện hữu. Trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ để gìn giữ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các di tích, hiện vật.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế), việc Ngai Vua triều Nguyễn bị xâm hại là sự việc quá hy hữu, ngoài dự đoán. Qua đó, cần đặt ra bài toán đối với những người có trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ di tích, di sản, BVQG… “Đã là BVQG, là di sản thế giới thì phải được bảo tồn như thế nào, phải có những giải pháp bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với cụ thể từng bảo vật, từng di sản. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương phải có những chiến lược phối hợp về bảo tồn, ngành nào thì tham gia vào nhiệm vụ nào để phối hợp bảo vệ di sản tốt hơn. Và quan trọng nhất là người dân, bản thân mỗi người dân phải được tuyên truyền, giáo dục để bảo vệ di tích, người dân phải kịp thời can thiệp, lên tiếng khi thấy di tích bị xâm hại”, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.

Liên quan đến việc Ngai Vua triều Nguyễn bị xâm hại, ngày 24/5, Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi Trung tâm BTDT Cố Đô Huế đề nghị tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của BVQG. Trước đó, Cục Di sản văn hóa đã có công văn gửi các bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của các BVQG…

Ngày 25/5, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính về việc xử lý vụ việc BVQG Ngai Vua triều Nguyễn bị phá hoại. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của BVQG Ngai Vua triều Nguyễn, đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP Huế chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, BVQG thuộc di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng. UBND TP Huế cũng được giao tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các BVQG trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các BVQG đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh...

Không phải chỉ tại TP Huế mà tình trạng xâm hại di tích thời gian qua còn xảy ra tại nhiều địa phương khác của cả nước. Đáng chú ý, vụ việc liên quan đến người nước ngoài gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước, đó là vụ 2 người Trung Quốc xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông.

Cụ thể, giữa tháng 5/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 2 công dân Trung Quốc là Shen Jiangyang (SN 1982) và Deng Zhiji (SN 1984) về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Trước đó, ngày 28/4, Shen Jiangyang và Deng Zhiji nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, với ý định tìm kiếm cổ vật tại các lăng mộ vua chúa và người giàu có hòng trộm cắp tài sản được chôn cùng. Cả hai mang theo dụng cụ tìm đồ cổ và sau khi đến TP Thanh Hóa, lưu trú tại một khách sạn. Sau đó, các đối tượng thuê xe máy đến khu lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để khảo sát địa hình. Đến ngày 3/5, 2 đối tượng này đã thực hiện hành vi thăm dò và đào bới tại lăng mộ vua Lê Túc Tông nhưng không tìm được cổ vật có giá trị. Khi bị phát hiện, hai đối tượng bỏ lại dụng cụ và nhanh chóng tẩu thoát.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/canh-bao-tinh-trang-xam-hai-di-tich-bao-vat-quoc-gia-i769650/