Cảnh báo triều cường vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông ở rìa nam của áp cao cận nhiệt đới, ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa rào và dông rải rác; riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình và khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 20 đến 50 mm/12 giờ, có nơi hơn 80 mm/12 giờ). Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đã cảnh báo triều cường vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ. Trong những ngày tới, mực nước đỉnh triều ở các trạm vùng hạ lưu các sông tiếp tục lên nhanh. Ðỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 15 đến 16-10 và đạt mức như sau: Trạm Cần Thơ (sông Hậu) đạt mức 1,85 đến 1,9 m (xấp xỉ báo động III). Trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) đạt mức 1,75 đến 1,8 m (xấp xỉ báo động III).

Ðến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã trồng được 8.733 ha ngô song sâu keo mùa thu đang gây hại nhẹ trên diện tích 25,5 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện: Thường Xuân, Yên Ðịnh, Hoằng Hóa. Trên diện tích lạc, ớt, đậu tương vụ đông cũng xuất hiện sâu cuốn lá, bệnh đốm lá, bệnh lở cổ rễ gây hại nhẹ. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, kể từ khi phát hiện cách đây khoảng một năm, diện tích sắn bị bệnh khảm lá vi-rút trên địa bàn đã tăng hơn 400 lần. Trong số hơn 4.200 ha sắn đang bị bệnh, có hơn 1.600 ha ở mức trung bình đến rất nặng, năng suất có thể giảm từ 50 đến 90%. Trong đó, nặng nhất là huyện Ia Pa với hơn 2.200 ha và huyện Krông Pa hơn 1.500 ha. Hiện bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị cho nên tốc độ lây lan khó kiểm soát.

Tại tỉnh Sóc Trăng, các hộ nuôi tôm đang đối mặt với mối lo từ bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi khiến tôm chậm lớn trong khi chi phí đầu tư liên tục tăng. Nhiều ao nuôi tôm hiện bỏ trống tại huyện Trần Ðề, thị xã Vĩnh Châu. Hiện các hộ nuôi chưa biết cách phòng trị bệnh, rất cần sự trợ giúp của ngành nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 12.648 ha lúa thu đông, năng suất 5,6 tấn/ha, sản lượng đạt 71.465 tấn. Tuy nhiên do lúa tại một số địa phương đã chín chuẩn bị thu hoạch thì gặp lúc triều lên và mưa lớn cho nên một số diện tích bị ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá lúa của bà con.

Tại tỉnh Quảng Trị, gần 120 km bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ, ảnh hưởng tới cuộc sống hơn 2.300 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương làm các biển cảnh báo, khắc phục điều kiện tại chỗ để bà con an tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Vào lúc 11 giờ ngày 9-10, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 đã cập cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 (TP Vũng Tàu) đưa ngư dân Nguyễn Văn Ðen (32 tuổi, quê quán tại Sông Ðốc - Cà Mau) về bờ cấp cứu. Trước đó, vào lúc 1 giờ ngày 5-10, trong lúc đang hành nghề trên tàu cá BL 92511 TS, ngư dân Nguyễn Văn Ðen bị tai nạn lao động đứt lìa hai chân, mất máu nhiều, tình trạng rất nguy kịch. Do được hỗ trợ y tế kịp thời, tình trạng sức khỏe của nạn nhân đã có chuyển biến tích cực.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên địa bàn 634 thôn của 154 xã, phường thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố. Hiện có hơn 124 nghìn con lợn của 30 nghìn hộ dân bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 7.182 tấn. Ðến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp 34 tỷ đồng và hơn 40 nghìn lít hóa chất để hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện công tác chống dịch.

Bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn

Khoảng hai tuần gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng nhanh, vượt mức 60 nghìn đồng/kg. Dự báo, giá lợn hơi sẽ không dừng lại ở mức này nếu nguồn cung không được cải thiện. Theo Bộ Công thương, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Hơn nữa, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng cho nên thị trường khá sôi động. Ðể bảo đảm nguồn cung cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chặt chẽ nguồn cung của từng nhóm sản phẩm chăn nuôi để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41839802-canh-bao-trieu-cuong-vung-ha-luu-cac-song-mien-tay-nam-bo.html