Cảnh báo 'trừ hao'!
Trước mỗi đợt mưa bão, các cơ quan chức năng phát đi cảnh báo, trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thế nhưng gần đây đã có tình trạng khá nhiều người xem thường cảnh báo thiên tai, như ngư dân đánh cá không về bờ tránh trú khi có dự báo bão, người ở khu vực nguy hiểm cố tình không di chuyển đến nơi an toàn, các phương tiện giao thông vẫn đi vào nơi cảnh báo lũ lụt, sạt lở...
Sở dĩ người dân "liều" như vậy xuất phát từ thực tế không ít lần dự báo bão, lũ rất lớn nhưng sau đó không có gì nghiêm trọng. Ví như, vào tháng 9-2022, khi bão Noru xuất hiện ngoài khơi, cảnh báo rủi ro thiên tai tại các tỉnh miền Trung được đặt lên cấp độ 4/5, nhưng khi bão đổ bộ thì chỉ gần tương đương rủi ro cấp độ 3. Hay bão số 1 vừa qua được dự báo có cường độ mạnh nhất trong vài năm gần đây, nhưng khi đổ bộ lại không lớn như vậy...
Vẫn biết việc dự báo, cảnh báo thiên tai không thể chính xác tuyệt đối 100%, song nhiều lần không như cảnh báo sẽ dẫn đến tình trạng cán bộ cơ sở và người dân "nhờn cảnh báo"; thậm chí khá nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng đang cảnh báo theo kiểu “trừ hao” nên không tự giác thực hiện theo các hướng dẫn về chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Hậu quả là khi có bão, lũ, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra thì thiệt hại rất lớn.
Để người dân không "nhờn cảnh báo", trước hết, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần tránh cảnh báo "trừ hao" theo kiểu "nhầm còn hơn không" để đỡ bị phê bình nếu thiên tai xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng; không nâng mức cảnh báo cao hơn thực tế có thể diễn ra để "dọa" cán bộ cơ sở và người dân phải chuẩn bị ứng phó quá mức cần thiết.
Chúng ta đều biết, việc cảnh báo ở mức độ cao sẽ giúp mọi người cảnh giác hơn, nâng cao ý thức trong phòng, chống để hạn chế tối đa thiệt hại. Thế nhưng sẽ "lợi bất cập hại" khi người dân “nhờn cảnh báo”, không còn tin vào những dự báo, khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Lúc đó, mặc dù chính quyền ra sức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phòng, chống thiên tai nhưng người dân vẫn "bỏ ngoài tai", không thực hiện.
Bảo đảm tính chính xác, khoa học, kịp thời trong dự báo, cảnh báo thiên tai là vô cùng quan trọng nhằm giúp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại. Muốn vậy, bên cạnh quan tâm đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt phải chú trọng phòng, tránh "bệnh sợ trách nhiệm" của những người thực thi công tác dự báo, cảnh báo, tránh kiểu cảnh báo "trừ hao" gây nên nhiều hệ lụy.
Không chỉ trong dự báo thời tiết, thiên tai, việc cảnh báo "trừ hao" do sợ trách nhiệm còn khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác, gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền của, gây bức xúc...
Đơn cử như khi tổ chức các cuộc họp, sự kiện, mỗi cấp lại triển khai đến sớm từ 5 đến 10 phút để "trừ hao" khiến bao nhiêu người phải mất thời gian chờ đợi. Dần dà, nhiều người đã nhờn "giờ cao su” nên đến khi có cuộc họp triệu tập đúng giờ thì lại đến muộn, ảnh hưởng tới nền nếp, kỷ cương...
Người xưa có truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu”, đại ý: Cậu bé chăn cừu nhiều lần giả vờ kêu cứu cho vui. Khi đàn sói đến thật, cậu bé cầu cứu thật thì dân làng chẳng ai tin, không ai đến giúp. Truyện ngụ ngôn này không chỉ là bài học cho các cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo thiên tai mà còn cho tất cả những người mắc bệnh sợ trách nhiệm, có lối làm việc theo kiểu "trừ hao".
TRẦN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/canh-bao-tru-hao-738042