Cảnh báo trục lợi từ thuốc bổ
Người kê đơn được hưởng lợi nhuận từ 20%-50% giá bán nên việc người bệnh bị kê thuốc bổ đắt tiền cũng không phải là chuyện khó hiểu
Tới Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám bệnh, một nữ bệnh nhân 35 tuổi được chẩn đoán trào ngược dạ dày - thực quản và được kê 4 loại trong đơn thuốc. Song trong đó chỉ 1 loại là thuốc điều trị còn 3 loại khác đều là thực phẩm chức năng (TPCN).
Kê đơn vô tội vạ
Bệnh nhân đã phải trả hơn 2 triệu đồng cho số thuốc bổ này mà không nhận được bất kỳ sự tư vấn, hướng dẫn nào của bác sĩ khám về các loại thực phẩm chức năng nói trên. "Tôi chỉ biết đơn có 4 loại thuốc. Đến khi về nhà mang thuốc ra uống, đọc hướng dẫn sử dụng mới biết 3/4 loại kê là TPCN" - bệnh nhân cho biết.
Trên trang cá nhân mình mới đây, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã lên tiếng trước một đơn thuốc được kê cho bệnh nhân gần 80 tuổi với chẩn đoán "Cơn sụp đổ". PGS Hiếu cho biết thực ra đó chỉ là một triệu chứng (drop attack) của hội chứng hiếm gặp trên lâm sàng. Bệnh nhân lớn tuổi nói trên được vị bác sĩ khám và điều trị cho kê 5 loại thuốc, trong đó có đến 4 loại thuốc bổ gan, bổ thần kinh và khoáng chất. "Chúng ta vẫn có thói quen thuốc bổ là không nguy hại nhưng thực tế cái hại ngay trước mắt đó là "túi tiền" của những người nghèo. 4 loại thuốc trên chắc chắn đắt hơn 2 loại thuốc tăng tuần hoàn não được kê "xen kẽ" trong đơn là Cavinton và Memoril. Cái hại thứ hai là uống nhiều thuốc tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần với nhau. Ngoài ra, do quá nhiều viên thuốc người bệnh có nguy cơ lẫn lộn đâu là thuốc bổ, đâu là thuốc điều trị thật sự dẫn đến quên thuốc, bỏ thuốc..." - PGS Hiếu thông tin.
Từ ca bệnh có đơn thuốc nhiều loại thuốc bổ đắt tiền, PGS Hiếu cho rằng việc lạm dụng thuốc đã được nhiều cảnh báo nhưng xu hướng không giảm. "Bản thân tôi nếu bệnh nhân thực sự cần (kể cả vấn đề tâm lý), tôi thường chỉ kê tối đa 1 loại và sẽ chọn loại không đắt tiền và rất thông dụng như Vitamin 3B, Panangin, Tanakan" - ông chia sẻ.
Theo các chuyên gia, tác dụng thực sự của các loại thuốc bổ khó kiểm chứng vì còn phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh và đáp ứng của cơ thể. Tuy nhiên, với quan điểm "không bổ ngang cũng bổ dọc" nên nhiều người dùng thuốc vô tội vạ, thậm chí tiền mua thuốc bổ gấp 5-10 lần thuốc bệnh. Một bệnh nhân cho biết có lần đi khám bệnh về da liễu, nội tiết, tiền mua thuốc chỉ chưa đầy 300.000 đồng nhưng tiền để mua thuốc bổ và các loại dược mỹ phẩm như dầu gội, kem bôi, sữa tắm tới hơn 2 triệu đồng. Khi thắc mắc thì được nhân viên giải thích đây là thuốc bổ và các dược mỹ phẩm nhập khẩu nên giá thành cao. Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết với các loại thuốc bổ, TPCN, dược mỹ phẩm, người kê đơn có thể được hưởng lợi nhuận từ 20%-50% giá bán nên việc người bệnh được kê nhiều thuốc bổ đắt tiền cũng không phải là chuyện khó hiểu.
Cần tuân thủ nguyên tắc an toàn
Các chuyên gia cảnh báo thuốc bổ là tên gọi chung cho các thuốc mà thành phần của nó thường là các vitamin, chất khoáng, axit amin… thường được sử dụng cho trẻ em, người cao tuổi, người có vấn đề sức khỏe hoặc bổ sung vi chất cho cơ thể... Việc dùng thuốc bổ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn vì có thể gây một số tác dụng không mong muốn đối với người dùng như táo bón, buồn nôn khó chịu dạ dày, tiêu chảy...
TS-BS Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho biết thuốc bổ như các loại thảo dược chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian điều trị nhất định, nếu sử dụng quá liều vẫn có thể có tác dụng phụ. "Chẳng hạn, một loại cây có thể được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân này nhưng không vì thế mà bệnh nhân khác có thể tùy tiện sử dụng vì đặc điểm bệnh tật của mỗi người khác nhau. Thậm chí, không phải người này dùng tốt thì người khác cũng có kết quả như vậy. Hơn nữa, việc dùng thuốc bổ cũng có thời gian và liều lượng nhất định không thể uống vô tội vạ và dùng bao lâu cũng được như quảng cáo" - bác sĩ Chung cảnh báo.
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cần đạt các tiêu chuẩn: Cho hiệu quả điều trị tốt, khả năng khỏi bệnh cao; thuốc có tính an toàn cao, ít có khả năng xuất hiện tác dụng phụ; thuốc tiện dụng, dễ sử dụng, liều lượng phù hợp và người bệnh được sử dụng thuốc với giá thành hợp lý. Chuyên gia này cũng lưu ý thuốc bổ thường không có hàm lượng (mg, đơn vị...), còn thuốc chữa bệnh chắc chắn phải có hàm lượng. Ngoài ra, hộp thuốc bổ thường thiết kế bắt mắt, viên thuốc màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... nhưng lại không có hàm lượng in trên viên thuốc. Do vậy, người dùng cần có kiến thức nhất định về loại thuốc mà mình đang sử dụng đúng cách, hiệu quả.
Chặn trào lưu kê toa để lấy "hoa hồng"
Bộ Y tế từng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy "hoa hồng". Tại điều 7 của Luật Khám, chữa bệnh quy định: Nghiêm cấm việc kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh; nghiêm cấm kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi. Luật cũng nêu rõ: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh... Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh, bộ đề nghị các đơn vị trên chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng quy định kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-truc-loi-tu-thuoc-bo-196240731202737622.htm