Cảnh báo từ sự sụp đổ của những 'làng đô thị'
'Bộ lạc kiến', 'bộ tộc chuột'... là những gì người ta nói về chốn con người sống 'hỗn độn, bẩn thỉu' trong những 'làng đô thị'. Năm 2011, hai làng Gangxia và Dachong (Thâm Quyến, Quảng Đông) bị phá hủy mở đầu cho công cuộc tái thiết 'làng đô thị' ở Trung Quốc. Cái giá rất đắt phải trả cho cuộc 'đô thị hóa vội vã, tự phát' đó nên là bài học cho Việt Nam, nơi mà số vụ cháy chết người và các nguy cơ thảm họa khác phần lớn đang tập trung ở những 'làng đô thị chồng chất người'.
“Hôm qua em đi tỉnh về/hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Tỉnh trong câu thơ của Nguyễn Bính là thành phố/đô thị, không gian đối lập với làng nông thôn. Cái làng được hiểu là tổ chức định cư của dân nông nghiệp sống dựa vào đất đai; có nhiều tài sản chung (đình, chùa, đền, ao, đường, ruộng, nghĩa trang...); gắn bó với nhau bởi dòng họ, xóm giềng; tự bầu “chính quyền tự quản” (hội đồng kỳ mục) và vận hành bằng “luật lệ” (hương ước) riêng v.v.. Nghĩa là nó căn bản khác với đô thị từ việc làm, nhân khẩu, lao động, cách tổ chức gắn kết, đến cấu trúc không gian.
Một biến thể không dễ hiểu
Nhưng sẽ khá khó xác định thế nào là “làng đô thị” (urban villages)? Bởi chẳng thể hiểu đơn giản do nó nằm sát hay bị sáp nhập vào đô thị, vì thời nào cũng có loại làng như thế. Nhưng thời Nguyễn diện mạo cái làng đó khác thời thuộc Pháp, khác giai đoạn nước ta trước 1975 tuy được gọi chung là thời “nông dân thẩm thấu dần dần vào đô thị”. Và cũng cái làng ấy càng khác thời Việt Nam mở cửa bước vào kinh tế thị trường, thời “nông dân tăng tốc tràn vào đô thị”.
Cho nên Mary Ann O'Donnell (Mỹ) khẳng định “Sử dụng thuật ngữ làng đô thị mà không chỉ định một thời đại lịch sử là sai lệch”(1). Vậy có thể nói loại “làng đô thị” chúng ta đang quan sát là một sản phẩm của thời kỳ “công nghiệp hóa/đô thị hóa ồ ạt”. Bài này xin chỉ tóm tắt một số thông tin từ vài công trình nghiên cứu về loại làng đó trên thế giới và ở Trung Quốc hiện nay, về số phận bi thảm của chúng, để liên hệ với các “làng đô thị” ở nước ta.
Mặc dù sẽ có nhiều biến thể từ cái làng, nhưng tựu chung chúng thường có chung nguồn gốc hay nhận dạng mô hình định cư. Tức là chúng được chấp nhận một cách chính danh “những cái làng thuộc về đô thị” bất chấp việc có thể gọi theo đơn vị hành chính mới là phường. Như vậy chúng ta nên chấp nhận sẽ có nhiều hơn một loại phường trong một đô thị, bởi có phường hình thành do phá bỏ toàn bộ làng để xây mới, hay thình lình mọc lên giữa cánh đồng (khu đô thị mới) và loại phường kế thừa, nâng cấp cấu trúc của làng xưa (giao thông, công trình chung...). Là cái làng trong câu chuyện chúng ta sẽ nói về nó sau đây.
Thế nào là một “làng đô thị” đạt chuẩn?
Một bữa ăn ngon không chỉ do mấy món khoái khẩu, bạn cần thêm chỗ ngồi thoáng, sạch, khung cảnh (view) đẹp, cùng bầu bạn... Sự ở còn hơn thế, không chỉ cần mỗi cái nhà rất tiện nghi, bạn cần cả khu vực ở an toàn, có khả năng sinh sống lâu dài, nên cần biết “những con số” thể hiện tình trạng xã hội và kỹ thuật hạ tầng nơi đó hơn là tin những quảng cáo rầm rộ. Tức bạn cần một không gian lớn hơn nhiều lần ngôi nhà sẽ bỏ tiền mua. Vậy nếu các định danh (phường hay làng) chỉ là tương đối, thì cần phải xác định cụ thể “cái làng đô thị” được cấu tạo thế nào, theo những tiêu chuẩn cụ thể gì?
Về cấu tạo, đã gọi là làng tối thiểu nó buộc phải kế thừa các cấu trúc vốn có như hệ thống giao thông kết nối các thành phần của làng, những công trình công cộng xưa... sót lại, dẫu qua nhiều biến động (ví dụ: người nhập cư tăng, không còn ai làm nông, xây cất nhiều…). Nói hình ảnh là cụ Nguyễn Bính vẫn nhận ra cô gái đi tỉnh về, dù cổ đã “áo dài, khuy bấm em làm khổ tôi!”, hay ông chồng vẫn nhận ra vợ mình sau cuộc mỹ viện, chứ “sửa sang” đến mức ổng không nhận được bả, thà lấy vợ khác cho rồi!? Ngôi “làng đô thị” cũng thế, dù được cải tạo/cải thiện, thì người làng đi xa về “vẫn còn nhận ra làng mình”. Là nếu tư duy theo mô hình phát triển đó, nhà quản lý sẽ chỉ cho phép nâng cấp, chứ không phá hủy hay làm biến dạng đến mức “không còn ai nhận ra cái làng ấy”.
Việc giữ cấu trúc làng cũ không chỉ nhằm bảo tồn cái gọi là “di sản làng” cho mục tiêu văn hóa (mặc dù xứng đáng và trong nhiều trường hợp làng đô thị đã trở thành làng du lịch), mà do được chính quyền chủ động lập kế hoạch giúp nó “tiến hóa” trên cơ sở diện tích, dân số, quy mô hạ tầng kỹ thuật nhỏ bé của cái làng xưa (ao, hồ, đường giao thông, cấp, thoát nước...). Cần nhấn mạnh sự chủ động này, bởi nếu chỉ thay mỗi cách gọi “làng” thành “phường ”, thì chắc chắn cái gọi là “phường mới” sẽ phát triển tự phát, hỗn độn do dân di cư thập phương kéo đến, khiến hạ tầng “làng cũ” không thể gánh nổi sự chất tải quá mức lên nó. Rút cục để tránh thảm họa, người ta phải lập các ‘chuẩn’ cho làng đô thị.
Đầu tiên cần xác định mật độ dân số “vừa phải”. Loại làng này ở châu Âu cho phép chứa từ 200 đến 500 người/1km2 (2), châu Á có thể hơn, làng đô thị ở Nhật Bản mật độ dân số cao do khả năng quản lý của chính quyền và ý thức người dân, nhưng thường không vượt quá 20.000 người/1km2. Lưu ý tỷ lệ này chưa bằng một nửa mật độ dân số quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay quận Gò Vấp (TP.HCM) dẫu thống kê dân số ở ta thường theo đăng ký hộ khẩu thường trú, thực tế có thể cao hơn nhiều.
Tiếp đến là quy mô dân số, được quyết định bởi năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, cấp nước, thoát nước, chợ, cơ sở y tế, giáo dục nhỏ). Rồi yêu các cầu khác, như: duy trì đủ không gian công cộng (công viên, quảng trường, trung tâm cộng đồng); phát triển hỗn hợp (không gian ở của cư dân xen không gian thương mại, giải trí để giảm nhu cầu đi lại, đặc biệt ưu tiên đi bộ và xe đạp)... Do sẽ không có các làng hoàn toàn giống nhau, nên tùy thuộc vào từng khu vực, làng đô thị có thể có từ 5.000 đến 30.000 cư dân và đều phục tùng nguyên tắc quản lý xây dựng chung, phải: an toàn, tận dụng được các điều kiện tự nhiên tại chỗ (gió, nắng, cảnh quan…)...
Tất nhiên không thể kê ra hết các tiêu chuẩn kỹ thuật của loại làng đô thị trong một bài báo phổ thông, nhưng cần khẳng định rằng để cư dân của nó được sống “an toàn, lâu dài”, phải xác lập được một hệ thống tiêu chuẩn kỹ lưỡng và quản lý giám sát các bên thực hiện. Thí dụ để tránh quả tải cho mỗi đơn vị nhà ở, nước Anh quy định diện tích sàn tối thiểu cho 1 người trên 10 tuổi là 6,51m2, Pháp 9m2/người, Đức 12m2/người; Nhật, Hàn Quốc, Singapore 10m2/ người; Trung Quốc 13m2/người... Hay để hạn chế quy mô xây dựng, nước Đức đánh thuế nước mưa (Regenwassergbuhr) vào các bất động sản có bề mặt kín từ 0,71 đến 1,90 euro/1m2/năm tùy khu vực, với lý lẽ rằng nó ngăn nước mưa bổ cập vào đất (làm hỏng đất), làm tăng lượng nước mưa chảy vào hệ thống thoát nước chung (gây quá tải) v.v..
Nếu làng đô thị đạt các chuẩn và không quá xa trung tâm thành phố, tôi ngờ rằng ít nhất đó là chốn sống của giới trung lưu lớp trên, vì họ được ở thoáng mát, bớt ô nhiễm, ồn ào do người đông đúc... rất đáng đồng tiền bỏ mua nhà. Tóm lại, nó mượn tiếng “làng” chứ không nhất thiết còn nông dân, nó gần giống lối cư trú nông thôn phi nông nghiệp phổ biến ở Bắc Âu.
Sụp đổ do bỏ chuẩn
“Bỏ qua/bất chấp các tiêu chuẩn” đã là hiện tượng khá phổ biến trong mọi mặt đời sống chúng ta hiện nay, như theo chuẩn mỗi người bệnh một giường, nhưng thiếu giường thì vài người nằm chung càng “thân mật”, chuẩn mỗi lớp không quá 36 học sinh nhưng thêm 10 đứa nữa có sao, có tiêu chuẩn vỉa hè cho người đi bộ nhưng làm gì còn vỉa hè mà đi… Sự ấy nhiều lắm, đến nỗi chúng ta đã cùng nhau thích nghi với cuộc sống “không cần chuẩn”.
Tôi có những bạn “nhiều cảm xúc”, hễ cứ nói đến “các con số đo chuẩn lạnh lùng” là khó chịu. Kiểu: “Vì nếu phải xây nhà theo tiêu chuẩn, ở cũng theo chuẩn, thì dân mình còn nghèo làm sao có nhà mà ở?”. Thưa, nhà giá thấp không hoàn toàn đồng nghĩa với nhà không an toàn, không thể sống lâu dài, nhưng đó là câu chuyện khác và không phải lúc để bàn. Nên xin quay lại với câu chuyện các chốn ở (cũng là nơi sinh sống) phi tiêu chuẩn của cư dân hai làng tại Thâm Quyến (Trung Quốc) và kết cục của chúng.
Số liệu trước khi bị phá dỡ: làng Dachong (hình thành từ triều cuối Nguyên, Minh (1368-1644), Thanh (1644-1912) có nhiều công trình lịch sử đền, miếu, tập tục văn hóa) diện tích khoảng 0,5km2, dân số khoảng 60.000 người (theo kê khai), mật độ khoảng 120.000 người/1km2; làng Gangxia diện tích khoảng 0,4km2, dân số khoảng 50.00 người (theo kê khai), mật độ khoảng 125.000 người/1km2 (3). Chỉ cần so sánh theo 2 chỉ tiêu mật độ và quy mô dân số, có thể thấy cả hai làng đã vượt các “tiêu chuẩn của làng đô thị” nhiều lần.
Chúng giống như hầu hết các làng đô thị tương tự, được mô tả “cực kỳ đông đúc, bẩn thỉu, hỗn loạn”, giao thông như mê cung, chật hẹp, người di chuyển trong ngõ hẻm tăm tối, ngột ngạt dưới những ngôi nhà cao tầng áp sát “bắt tay nhau”, “hôn nhau”, dưới những máy điều hòa xếp chồng nhỏ giọt nước, quần áo treo ban công, những bó dây điện chằng chịt… bên trong chứa chật ních “các căn hộ con nhộng”... Là nơi sống của “Bộ lạc kiến” (“Ant tribe” chỉ điều kiện sống của sinh viên (4), hoặc cuộc sống của công nhân dưới các tầng hầm gọi là “Bộ lạc chuột” (Rat tribe) (5)…
Nguyên nhân của tình trạng quá tải khủng khiếp đó khá đơn giản, cũng như hầu hết các làng bị “đô thị hóa dân số ồ ạt” chúng là điểm đến đầu tiên, là vị trí bất động sản đắc địa cung cấp nhà giá rẻ cho những dòng người nhập cư tràn vào Thâm Quyến kiếm việc làm. Tất yếu khi dân số tăng vô độ, xây cất vô độ kiếm lợi nhuận, vứt bỏ mọi tiêu chuẩn sinh tồn, chứa đầy các rủi ro đô thị: thảm họa cháy nổ, ngập úng nước thải, chất thải, dịch bệnh, không đường vào cứu hộ... cho cư dân tại chỗ và cả những khu dân kề cận, khiến cuộc sống của con người không thể chịu đựng được nữa thì, điều gì đến sẽ phải đến.
“Năm 2011 mở đầu cho công cuộc “nâng cấp đô thị”, những chiếc xe ủi đất đã tiến vào phá hủy gần như toàn bộ ngôi làng Dachong, phá hủy hơn 10 triệu feet vuông (khoảng 10 triệu m2) nhà ở và trục xuất hơn 70.000 cư dân (làng Gangxia khoảng 100.000 dân), nhiều người trong số họ là người di cư. Cơ sở vật chất của một một cộng đồng sôi động bỗng chốc đã biến thành bãi phá dỡ đầy đổ nát” (6). Tiếp theo Thâm Quyến, hàng loạt “làng đô thị” bị quá tải dân số và hạ tầng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... cũng chung số phận.
Không có điều kiện trình bày chính sách bồi thường của chính quyền cho những gia đình bị mất hoàn toàn tài sàn, nhưng qua một số tài liệu có thể ước tính chi phí cho mỗi làng khoảng trên 10 tỷ nhân dân tệ, nghĩa là nhiều tỷ USD đã chi cho công cuộc “tái thiết đô thị bắt đầu bằng sự phá hủy”.
Làng đô thị ở Việt Nam
Tất nhiên nói về làng đô thị Trung Quốc làm chi nếu không giúp gì cho câu chuyện ở Việt Nam? Tình trạng của chúng ta cũng tương tự, nhìn lướt cũng thấy dân số đô thị Việt Nam tăng rất nhanh do di dân vào đô thị và những cái làng kề cận thành phố “là điểm đến đầu tiên, nơi tạm trú có giá nhà phải chăng trong chiến lược sinh tồn của người nhập cư”.
Những cái làng ven Hà Nội khoảng trước năm 1990 khi chưa trở thành “làng đô thị, làng phòng trọ, làng chứa kho, xưởng sản xuất...” mật độ dân số khoảng 1.000 người/km2. Nhưng chỉ từ 1990-2006 đã có “148 làng như vậy đã 'trở thành đô thị' theo cách những người di cư mới đến cư trú, thêm vào mật độ người tại các ngôi làng đô thị hóa ở Hà Nội” (7). Điểm mật độ dân số hiện nay ở vài “phường đi lên từ làng” sẽ thấy mức tăng, quận Đống Đa: phường Thịnh Quang 40.584 người/km2, Khương Thượng 46.221 người/km2...; quận Thanh Xuân: phường Kim Giang 58.925 người/km2, Khương Trung 47.431 người/km2, hai phường Thanh Xuân Bắc và Nam đều khoảng 42.000 người/km2, Khương Đình 24.202 người/km2…
Một số phường, xã tại TP.HCM có dân số lớn: xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) hơn 124.000 người, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) hơn 123.000 người, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) hơn 121.000 người, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) hơn 88.000 người… TP.HCM đã tăng diện tích gấp 5 lần trong giai đoạn 1990-2021 với hơn 60% đất đai làng mạc ven đô, cũng một cách không có kế hoạch với loại mô hình “dở làng dở phố thấp cấp” khắp các quận mới.
Tạm so sánh cả 2 số liệu mật độ và dân số thì các “làng đô thị “của Việt Nam tuy chưa lâm vào tình trạng tối nguy như ở Trung Quốc, nhưng đều đã vượt các tiêu chuẩn đô thị hay “làng đô thị” cho con người được sống an toàn và lâu dài, đều tiệm cận mức nguy hiểm, mà vụ cháy thảm khốc chung cư mini làm chết 56 người ở phường Khương Đình, Hà Nội năm ngoái là một trong số các ví dụ.
Rõ ràng các “làng đô thị” ở Hà Nội, TP.HCM đã ở mức cần cảnh báo vì không ai trong chúng ta muốn một kết cục có tính “phá hủy”, vả chăng chúng ta cũng chẳng có nhiều tỷ USD để “tái thiết đô thị” như Trung Quốc? Rồi không chỉ tiền bạc, “hơn 80% di sản thủ đô có nguồn gốc từ làng”, vô số làng của Hà Nội được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, nhiều loại hình di tích văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn cho văn hóa đô thị, không thể làm mất nó.
Trước các lựa chọn?
Làng Việt xưa vốn “của một nền văn minh ổn định trong sự hài hoàvề vật chất và thẩm mỹ do hòa thuận với các điều kiện tự nhiên. Dù nghèo khổ, nhưng người nông dân không sống trong sự thô lậu”. Đánh giá đó của Pierre Gourou về Người nông dân châu thổ Bắc kỳ (1936) nên được coi là cái nhìn khái quát, chính xác về cuộc sống và phẩm hạnh của những người nông dân tại các làng mạc của mình trước khi bị biến thành “làng đô thị” theo nghĩa tiêu cực nhất. Nó nhấn mạnh sự ổn định, tính thẩm mỹ chỉ có thể được xác lập do sự phát triển cân bằng với các điều kiện hữu hạn, mà dân làng là chủ nhân dày công kiến tạo.
Luận điểm đó tương tự nhận định của những người chứng kiến Dachong, Gangxia bị phá dỡ “Thâm Quyến có khoảng 1.000 làng đô thị phân bố trên 10 khu hành chính và hơn 60% dân số (khoảng 11 triệu người) sống ở đó. Với sự sụp đổ của các làng đô thị (dẫn tới) lịch sử thành phố đã bị phân tán/thất tán. Người nhập cư/ người thuê nhà, xét cho cùng vẫn chỉ là người qua đường, còn các làng đô thị có thể sẽ chỉ ở trong nỗi nhớ của những người con dời làng của mình tha hương khắp thế giới” (Dong Chaomei “@LOFT” 2017).
Vậy chọn giải pháp nào từ nâng cấp, sửa chữa, thậm trí có thể xây mới… cũng vẫn cần xác định vai trò nòng cốt của người làng bản địa trong tư cách những người chủ sở hữu nhiều tài sản vật chất, tinh thần của tổ chức định cư làng, sau đó mới là những người nhập cư. Tức chắc chắn phải thiết lập một cơ chế hợp tác quản trị mới để vận hành hệ thống tiêu chuẩn riêng cho các khu làng đô thị tại các thành phố lớn, ít nhất là đảm bảo không cho các hiểm họa tiếp tục rình rập đe dọa nó, đặc biệt tại vùng ven Hà Nội và TP.HCM.
Duan Peng (The Paper 6/2016) cho rằng có 3 con đường phát triển làng đô thị: 1/ Chính quyền không can thiệp, cứ để dân tự xây nhà trên mảnh đất của mình hình thành các “công trình bắt tay nhau”. 2/ Phá bỏ hoàn toàn những ngôi nhà tự xây, chính phủ tiếp quản đất và bán cho các nhà phát triển để xây dựng các tòa nhà cao tầng mới. 3/ Tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, hình thành sự phát triển thông qua liên minh của các chủ sở hữu tài sản nhỏ, tích hợp đất đai, tích hợp các quyền tài nguyên và kết hợp xây dựng với sự tự nguyện, tự quản của dân làng
Hiểu nôm na về giải pháp 3 là việc quy hoạch và tái thiết sửa chữa hay xây mới cái làng dù ở mức độ nào, thì các chủ thể (là cộng đồng hộ dân sở tại gắn bó với làng nhiều nhất) sẽ giữ quyền điều phối để thỏa thuận với dân di cư đến sau, chính quyền làm trọng tài, thí dụ mở rộng một con hẻm/ngõ phải lấy đi một số nhà mặt hẻm/ ngõ, thì sự thiệt hại đó sẽ được bồi hoàn như thế nào, bằng cách nào...
Tựu chung họ không chọn cách phá dỡ: “Phá dỡ toàn bộ vì thiếu giải pháp thay thế phù hợp. Không chỉ xóa bỏ dấu vết lịch sử và văn hóa độc đáo của các ngôi làng, mà việc tái phát triển chẳng những tốn kém, còn gây áp lực lên cơ sở hạ tầng xung quanh. Phá dỡ là buộc cư dân phải tái định cư ở các khu vực ngoại ô có khả năng gây ra nhiều khó khăn mới. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã công bố xây dựng 36 triệu đơn vị nhà ở giá rẻ vào năm 2015, nhưng hầu hết nằm ở ngoại ô thành phố. Đây là những giải pháp thay thế còn kém hơn so với các ngôi làng đô thị, vì người dân phải đi làm xa, bị cô lập với thành phố và thiếu sự đa dạng xã hội, cho thấy viễn cảnh ảm đạm rằng rồi chúng sẽ biến thành các khu ổ chuột, giống như các khu ngoại ô ở Paris…” (8)
Vâng, các bài học thì đã có, cơ sở của các tiêu chuẩn cung đã có, và việc “nâng cấp các làng đô thị Việt Nam” vẫn còn cơ hội. Vậy chúng ta chỉ còn trông chờ chính quyền đô thị sẽ sớm hành động trước khi quá muộn?
Bài và ảnh: Trần Trung Chính
_______________
Tài liệu tham khảo, trích dẫn:
1. Theo The End of an Era? Two Decades of Shenzhen Urban Villages - 2021
2. Theo Urban versus rural living và một số tài liệu khác
3. Theo Shenzhen, China Metro Area Population 1950-2024 và Urban Village Reconstruction in Shenzhen from the Perspective of the Interaction of Population, Land and Industry - Research and Analysis of Qinghu Village, Longhua
4 - 5. Của Triều Lâm Cổ, Mingjie Sheng, Hồ Linh Thiên và Katie Hunt
6 - 8. Theo The Mass Death of China's Urban Villages, Stefan Al - 2015
7. Theo Hà Nội, Integration of Villages a Metropolis in the Making - 2006 - E. Cerise, S. Fanchette, D. Labbé, JA Boudreau và Trần Nhật Kiên
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/canh-bao-tu-su-sup-do-cua-nhung-lang-do-thi-45652.html