Cảnh báo từ vụ doanh nghiệp Việt bị lừa tiền trong thương vụ với đối tác nước ngoài
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn mở tài khoản mạo danh các công ty nước ngoài rồi liên hệ với các công ty, doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Ngày 24/8, Cục An toàn thông tin dẫn lưu ý từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan để cảnh báo về thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường trong buôn bán quốc tế.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, một công ty Việt Nam (tạm gọi là Công ty A) có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu. Tháng 5/2024, Công ty A nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan).
Qua kiểm tra thông tin của Công ty Y theo địa chỉ website, Công ty A đánh giá đây là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan, nên lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc, khách hàng X không giao hàng theo thời hạn hợp đồng và cũng không trả lời rõ ràng các câu hỏi của Công ty A.
Cục An toàn thông tin đánh giá, đối với hình thức lừa đảo trên, thủ đoạn của các đối tượng là mở tài khoản mạo danh các công ty có thật tại nước ngoài, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xuất nhập khẩu tại Việt Nam để giao dịch.
Đối tượng sử dụng những chiêu trò tinh vi, giả mạo chuyên nghiệp để lừa các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam ký hợp đồng, đồng thời đặt cọc tiền. Để lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng làm giả các giấy tờ như bản sao B/L (vận đơn), bản sao giấy chứng nhận chất lượng, bản sao giấy chứng nhận xuất xứ,... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đặt cọc từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng biến mất, xóa sạch mọi dấu vết nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp cần cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch nào trên thị trường quốc tế.
Trước khi giao dịch, hãy kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về đối tác, sử dụng các dịch vụ tra cứu uy tín, như các cơ quan thương mại quốc tế hoặc tổ chức tín dụng, để xác nhận tính hợp pháp của doanh nghiệp và đối tác kinh doanh. Đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận và giao dịch được ghi rõ trong hợp đồng bằng văn bản bao gồm chi tiết về điều khoản thanh toán, vận chuyển, chất lượng hàng hóa và các quyền lợi của các bên.
Các doanh nghiệp cũng cần tham khảo ý kiến từ luật sư quốc tế chuyên nghiệp và uy tín nếu cần thiết, cẩn thận với các yêu cầu không thường xuyên hoặc không rõ ràng từ đối tác, như yêu cầu chuyển tiền qua các kênh không chính thống hoặc yêu cầu thông tin nhạy cảm.
Cẩn trọng trước email yêu cầu đóng bảo hiểm ôtô
Cũng liên quan các hoạt động lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới, thời gian gần đây, nhiều người nhận được các email với nội dung thông báo bảo hiểm ô tô đã hết hạn, yêu cầu đóng các khoản phí nhằm gia hạn hoặc mua các gói bảo hiểm mới. Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, thủ đoạn này đã gây ra thiệt hại ước tính lên tới 30 triệu USD (khoảng 748 tỷ đồng).
Cụ thể, các đối tượng tạo lập email giả mạo, đính kèm logo của các nhà phân phối hoặc công ty bảo hiểm xe ô tô nổi tiếng để gia tăng mức độ uy tín. Ban đầu, đối tượng sẽ giả mạo là nhân viên chăm sóc khách hàng tại các đơn vị phân phối ô tô, chủ động gọi điện cho nạn nhân với giọng điệu cấp bách và khẩn trương thông báo rằng bảo hiểm hết hạn, yêu cầu nạn nhân cung cấp email để các đối tượng gửi thêm thông tin chi tiết.
Ngoài ra, đối tượng còn đe dọa bằng cách thông báo hiện tại nạn nhân đang nợ công ty một khoản tiền nhất định, nếu không thanh toán ngay sẽ rơi vào trường hợp “nợ xấu”. Sau đó, các đối tượng gửi email cho nạn nhân với nội dung chứa đựng thời điểm gói bảo hiểm hiện tại mà nạn nhân sử dụng được kích hoạt, đồng thời đính kèm số tài khoản giả mạo và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhằm gia hạn hoặc kích hoạt gói bảo hiểm mới.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, email với nội dung như trên. Người dân cần thực hiện xác thực kỹ thông tin và danh tính của các đối tượng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Người dân chỉ nên đóng bảo hiểm trực tiếp tại các trụ sở công ty, đại lý phân phối bảo hiểm uy tín. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các cơ quan, lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.