Cảnh báo xuất hiện lũ lớn trên sông Đồng Nai
Mưa to kéo dài do ảnh hưởng bão khiến mực nước tại sông Đồng Nai liên tục dâng cao. Khu vực bị ảnh hưởng nặng tập trung ở 2 huyện Định Quán và Tân Phú khi lũ, ngập lụt đang gây thiệt hại về tài sản cho người dân.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước sông Đồng Nai còn tiếp tục dâng lên, cảnh báo nguy cơ ngập lụt và khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Các địa phương đến các sở, ngành, đơn vị liên quan và người dân đang dồn lực phòng, chống, ứng phó với lũ, lụt và thiên tai xảy ra.
* Người nuôi cá bè thiệt hại nặng
Đêm 27-7, nước lũ tràn về đột ngột trên sông La Ngà khiến hàng chục dèo nuôi cá bè tại khu vực ấp 1 và ấp 8 tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán bị cuốn trôi. Một số bè cá neo đậu ở khu vực nước sâu trên sông La Ngà bị thiệt hại cả trăm tấn cá. Trong đó, nhiều dèo nuôi cá có giá trị cao, trọng lượng lớn chờ thu hoạch gồm: cá lăng, hồng vĩ, diêu hồng… bị cuốn trôi, khiến người nuôi cá bè bị thiệt hại nặng về kinh tế.
Ông Trần Văn Thời, hộ nuôi cá bè bị thiệt hại nặng nề nhất tại ấp 8, xã Thanh Sơn có 20 dèo cá bị trôi gồm: 11 dèo nuôi cá diêu hồng, 2 dèo cá lăng, 1 dèo cá hồng vĩ và 7 dèo trống đã thu hoạch. Các dèo cá bị cuốn trôi đều là cá có trọng lượng lớn chờ thu hoạch nên bị thiệt hại gần 240 tấn cá các loại tương đương 14 tỷ đồng. Mọi năm, người nuôi đều chủ động thu hoạch cá trước khi vào cao điểm mưa lũ để hạn chế rủi ro. Năm nay, do thị trường tiêu thụ chậm, người nuôi phải neo cá đã đến kỳ thu hoạch chờ thương lái thu mua nên lượng cá trọng lượng lớn còn tồn nhiều.
Đến tối 31-7, mưa lũ đã làm 11 căn nhà bị ngập, 1 căn nhà tốc mái, 1 căn nhà sập và hơn 1,8 ngàn tấn cá chết thoát ra tự nhiên và gần 570ha cây trồng bị ngập...
Ông Thời xót xa: “Nước lũ đột ngột tràn về vào khoảng 22 giờ, nước lớn, chảy xiết khiến người nuôi không kịp trở tay. Các dèo chủ yếu là cá có trọng lượng lớn nên càng khó xử lý, đành bỏ nước cuốn trôi các dèo nuôi để giữ lại bè chính. Năm nay, lũ về đột và dâng cao hơn mọi năm. Trong đó có nguyên nhân Thủy điện Đồng Nai (tỉnh Đắk Nông) xả lũ nhưng người nuôi cá không được thông báo kịp thời để chủ động ứng phó”.
Cùng bị thiệt hại, ông Trần Phước Minh, người nuôi cá bè tại ấp 8, xã Thanh Sơn cho biết, dù không xảy ra tình trạng dèo nuôi cá bị cuốn trôi nhưng gia đình ông cũng thức thâu đêm để cứu cá. Nhưng từ đêm đến sáng, hàng tấn cá trong dèo vẫn bị chết do thiếu oxy. Tình trạng cá chết rải rác này có thể còn tiếp diễn trong vài ngày tới. Cá chết được chủ bè vớt bán cho thương lái còn vài ngàn đồng/kg, trong khi cá sống lên đến vài chục đến hơn 100 ngàn đồng/kg tùy loại cá.
* Cần thực hiện tốt công tác thông tin
Tuần qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại các địa phương trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Mực nước trên sông Đồng Nai không ngừng dâng cao. Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước sông Đồng Nai còn tiếp tục lên, cảnh báo nguy cơ ngập lụt và khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm tại những khu vực thấp ven sông Đồng Nai. Khu vực rủi ro cao tập trung ở các xã Đak Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc H.Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc H.Định Quán.
Đặc biệt, các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán có nguy cơ bị ngập lụt do lũ. Cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, Ban Chỉ huy đã có văn bản đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, TP.Long Khánh và Biên Hòa; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trên các bản tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn nhanh, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn biết để chủ động phương án ứng phó với lũ gây ngập, sạt lở bờ sông, phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
UBND các xã có trách nhiệm thông tin về tình hình lũ lụt cho người dân và cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để ứng phó và hỗ trợ người dân; thường xuyên cập nhập, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình ngập lụt, những thiệt hại (nếu có) về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở NN-PTNT.